Cán bộ công đoàn phải luôn đặt mình vào vị trí của người lao động
PV: Xin chào ông Kha Văn Tám! Được biết ông là một cán bộ từng đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng trong quá trình công tác. Ông có thể chia sẻ cơ duyên nào đã đưa ông đến với tổ chức công đoàn?
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1994, tôi đã kinh qua nhiều vị trí công tác như: Trưởng Ban Mặt trận Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Nghệ An, Uỷ viên Ban Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam, Phó bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Quế Phong, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Tính đến nay, làm ở 4 cơ quan thì có tới 2 đơn vị tôi được đảm nhiệm vị trí cán bộ công đoàn.
Tính tôi dễ gần, dễ chia sẻ lại thích các hoạt động sôi nổi, mọi người xung quanh luôn đánh giá tôi phù hợp với công đoàn. Và chính bản thân tôi cũng rất thích các hoạt động của tổ chức công đoàn.
Trong nhiều năm, tôi đã đồng hành với các cấp công đoàn trong việc tăng cường vai trò của đoàn viên, người lao động tại các đơn vị, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, tạo ra cơ hội phát triển cho những người đã tin tưởng, chấp nhận mình ở vị trí cán bộ công đoàn. Tôi nghĩ đó là cái duyên đưa mình đến với tổ chức công đoàn và có được vị trí như ngày hôm nay.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An thăm hỏi công nhân hồi hương từ các tỉnh phía Nam trong đợt cao điểm dịch COVID-19. Ảnh: Quỳnh Trang
PV: Trong suốt thời gian làm công đoàn, phương châm hành động của ông là gì?
Tôi và các cán bộ công đoàn tại LĐLĐ tỉnh Nghệ An luôn quan niệm tập trung vào cơ sở, hướng về người lao động. Lấy người lao động, công nhân viên chức lao động làm trung tâm cho hoạt động của công đoàn. Từ lúc bắt đầu làm một cán bộ công đoàn cho tới khi trở thành người đứng đầu LĐLĐ tỉnh, tôi vẫn luôn luôn xác định phương châm đó. Và tương lai vẫn sẽ là như vậy!
PV: Công nhân mong muốn rất nhiều ở công đoàn, nhưng điều gì khiến ông và công đoàn trăn trở nhất? Có câu chuyện nào khiến ông cảm thấy ấn tượng hoặc nhớ nhất không?
Cũng có nhiều trăn trở đấy! Nhưng có một điều khiến tôi trăn trở lâu nay là chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở.
Tôi luôn mong muốn đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở được tổ chức tốt hơn nữa để nâng cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu đại diện cho người lao động trong các doanh nghiệp và tổ chức sử dụng lao động.
Theo tôi chất lượng, năng lực của cán bộ là một yếu tố quan trọng để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Cán bộ công đoàn phải có kiến thức về quyền lợi lao động, luật lao động, kỹ năng đàm phán và giải quyết tranh chấp,…
Cũng mong công đoàn cấp trên tạo điều kiện hơn nữa để giúp đỡ anh em công đoàn cấp dưới cảm thấy tự tin yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Đội ngũ công đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì đời sống công nhân lao động từ đó cũng được nâng cao hơn.
PV: Hoạt động nào của công đoàn trong đợt dịch COVID-19 vừa qua thể hiện rõ nhất vai trò quản lý của công đoàn mà người công nhân tin tưởng và ủng hộ? Ông có thể chia sẻ lại quãng thời gian đó?
Việc đi cơ sở là một phần trách nhiệm nhưng phần lớn cũng là do nhu cầu tự thân của tôi và các cán bộ công đoàn. Bởi vì nếu không gần gũi với công nhân mình sẽ không đồng cảm được, không thể hiểu hết được cuộc sống của họ. Và như vậy mình cũng không thể chia sẻ hay có những ý tưởng tốt để giúp đỡ họ được.
Nếu xa rời công nhân lao động, đương nhiên mình không thể có tình cảm của họ mà thậm chí rất dễ dẫn đến thái độ vô cảm. Mỗi lần đi cơ sở là một lần đặt mình vào vị trí của công nhân lao động để nắm bắt được tình hình. Từ đó mình mới biết được sắp tới nên làm gì để lo cho họ tốt hơn
LĐLĐ tỉnh hỗ trợ lực lượng y tế Nghệ An chống dịch. Ảnh: Quỳnh Trang
Năm 2021 là một năm cực kỳ biến động và đặc biệt. Đây là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 02, năm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thêm vào đó là sự trở lại của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt cuộc sống, nhất là đời sống, việc làm của người lao động… chúng tôi đã có chủ trương nắm rõ tình hình của công nhân lao động trên khắp địa bàn tỉnh.
Đầu tháng 10.2021, khi những đoàn xe máy của lao động Nghệ An từ các tỉnh phía Nam nối đuôi nhau hồi hương tránh dịch, LĐLĐ tỉnh là một trong những tổ chức có mặt tại cầu Bến Thủy để hỗ trợ những lao động này. Trước đó, chứng kiến sự vất vả của công nhân xa xứ, ngày 6.10.2021, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ 500.000 đồng/người cho đoàn viên lao động hồi hương có hoàn cảnh khó khăn.
Trong 6 tháng cao điểm bùng phát dịch COVID-19 năm 2021, các cấp công đoàn đã hỗ trợ cho đoàn, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch với tổng số hơn 6,6 tỉ đồng, phối hợp giải quyết việc làm cho 2.377 người lao động miền Nam hồi hương.
Chúng tôi tổ chức việc thống kê kiểm soát lượng tiền, hàng huy động được cũng như chi phí công đoàn bỏ ra để đảm bảo sử dụng hiệu quả, hài hoà, tiết kiệm và đúng quy định của pháp luật.
PV: Việc trực tiếp đến thăm hỏi rồi tham gia vào công tác cứu trợ có phải là cơ sở để ông có thêm nhiều ý tưởng giúp đỡ, nâng cao đời sống cho những người công nhân lao động?
Tôi nghĩ làm việc gì cũng cần có kiến thức, kinh nghiệm nhưng riêng làm công đoàn quan trọng nhất là cái tâm. Nếu không đặt mình vào hoàn cảnh của họ, không coi công nhân lao động như người thân của mình thì thật sự rất khó đồng cảm và khó chia sẻ nên tôi nghĩ điều đó đúng.
Phải xuất phát từ tình cảm công nhân lao động và có trách nhiệm với công việc thì mình sẽ nảy ra nhiều ý tưởng tốt để giúp đỡ họ.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Nghệ An có khoảng từ 45.000 – 50.000 người bước vào tuổi lao động, nhưng cho đến nay công nhân lao động trên địa bàn đã lên tới 60.000 – 70.000 người. Với tốc độ công nhân lao động tăng nhanh như vậy sẽ kéo theo nhiều vấn đề phát sinh mà các cấp ngành đều phải tham gia và công đoàn cũng không thể đứng ngoài cuộc được.
Với chức năng nhiệm vụ của công đoàn, chúng tôi đặt ra mấy việc cần làm như: tiếp tục tập trung xây dựng mối quan hệ ổn định hài hòa tiến bộ trong doanh nghiệp. Việc đối thoại thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập là việc rất quan trọng, qua đó cải thiện chế độ lương thưởng, phúc lợi cho người lao động.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An có mặt tại sân bay quốc tế Vinh để đón đoàn viên, người lao động về quê đón Tết trên chuyến bay 0 đồng. Ảnh: Quỳnh Trang
Đồng thời tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương tổ chức tốt quy hoạch nhà ở xã hội, kêu gọi đầu tư các khu nhà ở xã hội, nâng cao chất lượng các khu nhà trọ, tuyên truyền giáo dục công nhân lao động để họ hiểu biết pháp luật, tự biết các biện pháp phòng ngừa những sai phạm nhất là tệ nạn xã hội. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tăng cường hơn nữa các chương trình phúc lợi cho công nhân lao động trong các khu cụm công nghiệp.
PV: Nhà ở, nhà trọ cho công nhân vẫn luôn là vấn đề "nóng" ở bất kỳ khu vực đông công nhân nào. Hiện tại, vấn đề đó ở Nghệ An được giải quyết ra sao, thưa ông?
Tôi có đi thăm nhà trọ công nhân mình mới biết nhà trọ ấy chất lượng thế nào và mới biết được công nhân lao động khổ như thế nào. Từ đó cũng biết được nhu cầu của họ và công việc mình cần làm để giúp đỡ họ.
LĐLĐ tỉnh Nghệ An tổ chức chương trình “Đến với nhà trọ công nhân”, thăm hỏi, động viên và trao gần 300 phần quà cho công nhân lao động đang ở trọ trên địa bàn xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Quỳnh Trang
Từ nay đến năm 2030, Nghệ An dự kiến xây dựng khoảng 15.000 căn nhà ở xã hội cho công nhân, trong đó chủ yếu tại các khu công nghiệp thuộc địa bàn TP. Vinh và các huyện phụ cận. Để huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, ngoài các chính sách của Chính phủ, tỉnh đang xem xét bố trí quy hoạch để dành quỹ đất mời gọi các tập đoàn doanh nghiệp lớn vào đầu tư.
Bên cạnh đó cũng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân xây nhà ở tập thể, nhà công vụ cho cán bộ, công nhân viên, người lao động.
PV: Ông nhận được những phản hồi ra sao từ phía công nhân, người lao động?
Họ rất phấn khởi và tin tưởng các cán bộ công đoàn chúng tôi. Tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại của anh em công nhân. Tôi dành thời gian giải thích cho họ, tôi nghĩ họ có niềm tin ở mình và đó là điều tôi rất trân trọng.
Không chỉ được đồng hành về tinh thần, hỗ trợ về vật chất, lực lượng công nhân, người lao động còn được tham gia các hội nghị đối thoại với lãnh đạo tỉnh hay với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Hoạt động này được triển khai sôi nổi trong Tháng Công nhân và Ngày hội Công nhân năm 2022 vừa qua
Chương trình gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An với CNLĐ được Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo tỉnh và CNLĐ ghi nhận, đánh giá cao. Ảnh: Quỳnh Trang
Biểu hiện rõ rệt nhất là công nhân lao động đông nhưng ổn định, các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được hạn chế tối đa và không xuất hiện những "điểm nóng". Tại Nghệ An có tới hàng nghìn doanh nghiệp nhưng mỗi năm xảy ra đình công rất ít, và được dàn xếp, dùng biện pháp mềm mỏng ngay sau đó.
Điều đó cho thấy, tổ chức công đoàn phải làm tốt, tuyên truyền thuyết phục để công nhân yên tâm sản xuất, phải nắm bắt tâm tư để giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Công nhân họ yên tâm sản xuất thì doanh nghiệp mới yên ổn phát triển được.
PV: Trong một tương lai hiện hữu và có lẽ là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, vai trò hỗ trợ của công đoàn trong thời đại đó sẽ như thế nào thưa ông?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang đến nhiều cơ hội và thách thức đối với người lao động. Bên cạnh mặt tích cực, cuộc cách mạng này sẽ buộc lực lượng lao động phải có sự thay đổi cả về chất và lượng. Hơn lúc nào hết họ càng mong chờ sự hỗ trợ về mọi mặt của tổ chức công đoàn.
Trong nhiệm kỳ 2023- 2028, trước xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0, máy móc sẽ thay thế con người, ảnh hưởng tới việc làm của người lao động, tôi cho rằng hoạt động công đoàn phải có thay đổi, không thể theo lối mòn.
Cái khó nhất của công đoàn là xây dựng được niềm tin của người lao động với tổ chức công đoàn, điều đó thể hiện ở nội dung hoạt động công đoàn cụ thể như thế nào? Mọi hoạt động của công đoàn phải hướng về cơ sở, phải đạt được mục đích hoạt động công đoàn giúp gì cho cơ sở phát triển, giúp bảo vệ quyền lợi cho người lao động như thế nào, tạo được niềm tin trong họ.
Muốn vậy thì phải quan tâm đến phong trào thi đua “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”, quan tâm đến từng người lao động ở cơ sở, biết trân trọng ý tưởng, sáng kiến dù nhỏ nhất của người lao động và tổ chức tuyên dương khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến kịp thời, xứng đáng.
Để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0, phát huy vai trò của tổ chức đại diện trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khẳng định vị trí của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị Việt Nam và củng cố niềm tin của người lao động gửi gắm vào công đoàn, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
.
Trong đó, hai giải pháp mang tính then chốt là tập trung nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn các cấp, để mỗi cán bộ công đoàn vừa có tâm vừa có tầm và chú trọng hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và người lao động.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Lao động