Bệnh đái tháo đường có thể gặp ở mọi lứa tuổi, dân tộc, vùng miền và ngày càng gia tăng. Vậy đái tháo đường bao gồm những loại nào?
Đái tháo đường type 1
Đái tháo đường type 1 là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng. Do vậy người bệnh cần điều trị bằng insulin thay thế suốt cuộc đời
PGS.TS. Vũ Bích Nga, nguyên Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, trường Đại học Y Hà Nội cho biết, insulin là một loại hormone quan trọng giúp điều chỉnh lượng glucose (đường) trong máu. Trong những trường hợp bình thường, insulin hoạt động theo các bước sau:
- Cơ thể phân hủy thức ăn thành glucose (đường), đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể.
- Glucose đi vào máu, báo hiệu cho tuyến tụy giải phóng insulin.
- Insulin giúp glucose trong máu đi vào các tế bào cơ, mỡ và gan để chúng có thể sử dụng làm năng lượng hoặc dự trữ để sử dụng sau.
- Khi glucose đi vào tế bào và nồng độ glucose trong máu giảm sẽ báo hiệu cho tuyến tụy ngừng sản xuất insulin.
Nếu cơ thể không có đủ insulin, quá nhiều đường sẽ tích tụ trong máu, gây tăng đường huyết (đường huyết cao) và cơ thể không thể sử dụng thức ăn bạn ăn vào để tạo năng lượng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần insulin tổng hợp hàng ngày để sống và khỏe mạnh.
Đái tháo đường type 2
Đái tháo đường type 2 đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao bất thường do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc insulin mà cơ thể sản xuất ra không hoạt động bình thường, được gọi là kháng insulin. Bệnh đái tháo đường type 2 thường không có triệu chứng, phát hiện qua xét nghiệm máu tình cờ hoặc xét nghiệm sàng lọc ở người có nguy cơ cao.
Một số có triệu chứng khi đường đã quá cao và gây ra nhiều biến chứng ở tim mạch, thận mắt, thần kinh hoặc có thể khát nước quá mức, đi tiểu nhiều và mệt mỏi. Theo thời gian, đái tháo đường type 2 có thể gây vấn đề nghiêm trọng về mắt, bàn chân, tim, mạch máu và thần kinh.
Theo PGS.TS. Vũ Bích Nga, hầu hết người bệnh đái tháo đường là mắc đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, bệnh lý này có thể phòng ngừa được bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên, duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường. Bên cạnh đó, cần kiểm tra lượng đường trong máu định kỳ, nhất là người có nguy cơ cao.
Khi đã bị đái tháo đường type 2, người bệnh cần được kiểm soát đường máu bằng chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc hạ đường máu theo chỉ định của bác sỹ để kiểm soát bệnh.
Bệnh đái tháo đường type 2 có thể không được chẩn đoán trong nhiều năm nếu không có hoặc bỏ sót các triệu chứng. Chính vì vậy, cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm là kiểm tra sức khỏe định kỳ và xét nghiệm máu.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ
PGS.TS. Vũ Bích Nga cho biết, đái tháo đường thai kỳ xuất hiện trong thời gian mang thai, gây ra lượng đường trong máu cao có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và sức khỏe của em bé, nhưng thường không gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng chú ý. Đái tháo đường thai kỳ thường được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe tổng thể như một phần trong chăm sóc sức khỏe trước sinh.
Để kiểm soát đái tháo đường thai kỳ, phụ nữ mang thai cần thực hiện tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, tập thể dục và nếu cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Kiểm soát tốt lượng đường trong máu không chỉ giúp thai phụ và thai nhi khỏe mạnh mà còn ngăn ngừa tình trạng sinh khó.
Khi mắc đái tháo đường thai kỳ, thông thường lượng đường trong máu sẽ trở lại mức bình thường ngay sau khi sinh. Đối với những người có tiền sử đái tháo đường thai kỳ rất có thể sẽ mắc đái tháo đường type 2 trong tương lai.
Đái tháo đường thứ phát
PGS. TS. Vũ Bích Nga cho biết, đái tháo đường thứ phát do nguyên nhân khác làm tăng đường máu, chẳng hạn như: Các u bài tiết của tuyến thượng thận, sử dụng corticoid gây hội chứng cushing trên lâm sàng, sử dụng thuốc gây ra đái tháo đường, do thừa hormon tuyến giáp, do u bài tiết tuyến yên như GH, ACTH làm tăng đường máu, bệnh lý ở tụy như ung thư tụy, viêm tụy mạn.
Với loại bệnh đái tháo đường thứ phát, người bệnh cần được thăm khám, tìm nguyên nhân cụ thể mới có phương pháp điều trị thích hợp.
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)