image banner
Bệnh lao kê dùng thuốc trị như thế nào?
Lượt xem: 41
Lao kê cũng như các thể lao khác là do vi khuẩn lao gây nên. Lao kê có khả năng lan toả khắp cơ thể người bệnh, gây ra các thương tổn và để lại các đốm nhỏ nhìn giống hạt kê nằm rải rác trong phế trường.
1. Mức độ nguy hiểm của bệnh lao kê
Bệnh lao kê chiếm tỷ lệ 2% tổng số các bệnh nhân lao và chiếm 20% trường hợp bị lao phổi. Đây là thể cấp tính của lao tản mạn, vi khuẩn lao lan tràn từ một tổn thương lao có trước, lây theo con đường máu hoặc bạch huyết với số lượng lớn. Vi khuẩn lao tới đâu sẽ để lại nhiều tổn thương ở đó. Các vị trí tổn thương như phổi, màng phổi, màng não, màng bụng, gan, hạch, tủy xương, lá lách... Do đó, đây là bệnh lý rất nghiêm trọng, gây tổn thương ở nhiều cơ quan. Nếu bệnh nhân không được điều trị và chăm sóc cẩn thận, nguy cơ tử vong là rất lớn.
Cũng giống như những bệnh lý khác, bệnh lao kê nếu không được điều trị kịp thời dễ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ em và thậm chí có thể gây tử vong. Không chỉ gây tổn thương ở phổi gây suy hô hấp và khó thở kéo dài, lao kê còn gây tổn thương đa tạng, gây tổn thương màng não, đây là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
Anh-tin-bai
Hình ảnh tổn thương ở phổi do bệnh lao kê.
2. Các biện pháp điều trị lao kê
Bệnh lao kê được áp dụng phương pháp điều trị ngắn ngày và theo dõi chặt sẽ đạt hiệu quả đến 90%. Nguyên tắc điều trị lao kê tương tự như những bệnh lao khác. Quan trọng nhất vẫn là dùng kết hợp các loại thuốc kháng lao. Đây là phương pháp điều trị được ưu tiên với người bị bệnh lao.
- Điều trị phối hợp thuốc pyrazinamid và ethambutol trong 2 tháng đầu tiên và dùng rifampicin kết hợp isoniazid trong thời gian 6 tháng. Nếu phát hiện lao kê kèm theo viêm màng não, bệnh nhân cần phải được điều trị thêm cả bệnh này. Thời gian dùng thuốc có thể lên đến 12 tháng.
Trong thời gian điều trị, người bệnh cần tái khám định kỳ và làm các xét nghiệm máu để kiểm tra đáp ứng điều trị cũng như các tác dụng phụ của thuốc.
- Corticoid được xem là một loại thuốc hạn chế được những tổn thương nặng nề ở phổi và các cơ quan khác, nhất là ở màng não. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không được khuyến khích và việc điều trị cần rất thận trọng.
Điều trị chống suy hô hấp do tổn thương ở phổi và chăm sóc khi người bệnh hôn mê, khi có tổn thương ở màng não... là rất quan trọng giúp bệnh nhân sớm phục hồi.
3. Lưu ý dùng thuốc điều trị lao
- Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị. Quan trọng nhất là phải dùng thuốc đúng liều, đúng thời điểm và đều đặn. Dùng thuốc đủ thời gian, qua 2 giai đoạn: Điều trị tấn công 2 - 5 tháng và điều trị duy trì 12 - 18 tháng. Bệnh nhân cần uống thuốc đầy đủ theo toa, kể cả khi các triệu chứng không còn.
- Nếu có bất kỳ phản ứng bất lợi nào trong thời gian điều trị, cần đi khám ngay để bác sĩ có sự điều chỉnh thuốc kịp thời, hợp lý.
- Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
- Không được tự ý bỏ thuốc hoặc chuyển sang phương pháp khác. Bởi khi bỏ thuốc vi khuẩn lao nhân cơ hội sẽ phát triển mạnh mẽ, kháng thuốc và nguy cơ lây vi khuẩn lao kháng thuốc ra ngoài cộng đồng.
- Ngoài việc sử dụng thuốc điều trị lao theo phác đồ, bệnh nhân còn được dùng thuốc triệu chứng, vitamin, nhất là phải tăng cường đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo năng lượng cho cơ thể.
4. Biện pháp phòng ngừa lao kê
4.1 Phòng ngừa lao kê đặc hiệu
Tiêm vaccine phòng lao BCG là biện pháp quan trọng giúp trẻ tránh nguy cơ mắc phải bệnh lao. Vaccine BCG hiệu quả trong ngăn chặn bệnh lao và tiến triển thành các thể lao nguy hiểm như lao kê, lao màng não... BCG là vaccine sống giảm độc lực, có tác dụng kích thích hệ miễn dịch, giúp cơ thể tăng khả năng bảo vệ, đặc biệt trước các thể lao nặng như lao kê và lao màng não.
Hiện nay, vaccine BCG được khuyến cáo tiêm phòng cho trẻ sinh từ đủ 34 tuần thai kỳ trở lên. Đối với trẻ sinh non hoặc có vấn đề về sức khỏe cần theo dõi, chăm sóc đặc biệt thì có thể hoãn tiêm vaccine cho đến khi trẻ có thể trạng tốt. Tuy nhiên cần tiến hành tiêm phòng lao cho trẻ càng sớm càng tốt. Vaccine lao chỉ cần tiêm 1 mũi có khả năng bảo vệ trọn đời.
Anh-tin-bai
Tiêm vaccine BCG là biện pháp phòng ngừa lao đặc hiệu.
4.2 Phương pháp phòng ngừa không đặc hiệu
Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao hệ miễn dịch.
Bỏ thuốc lá hoặc tránh khói thuốc lá.
Duy trì lối sống tích cực, tránh căng thẳng, áp lực, stress.
Giữ vệ sinh cá nhân, giữ răng miệng cổ họng và cơ thể luôn sạch sẽ.
Nhà cửa và môi trường sống cần được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát.
Tránh tiếp xúc với người bị lao phổi. Nếu phải tiếp xúc cần phải có biện pháp tránh lây nhiễm.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh lao kịp thời...

 
Thu Hiền( theo báo SK&ĐS)
THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14