Nhiều bằng chứng khoa học liên tục cho thấy nếu trong gia đình có người chồng hút thuốc, ngoài các loại ung thư đường hô hấp, người vợ dễ bị mắc ung thư hơn tới 20% so với những người vợ không phải tiếp xúc với khói thuốc lá bao giờ. Tỷ lệ này gần tương đương với việc người vợ trực tiếp hút thuốc lá - Theo báo cáo đánh giá của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới.
Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất do hút thuốc thụ động. Trẻ em thở nhanh hơn người lớn, nên lượng độc tố hít phải từ môi trường bên ngoài cũng cao hơn. Tất cả các nghiên cứu về hút thuốc thụ động đều chỉ ra rằng hút thuốc thụ động gây ra những mối nguy hại vô cùng lớn đối với sức khỏe đặc biệt đối với trẻ em.
Hầu hết trẻ em sống trong gia đình có bố hoặc mẹ hút thuốc lá đều gặp phải những biểu hiện sau: Dễ bị nhiễm trùng phổi; thường có triệu chứng ho, thở khò khè hoặc mắc bệnh hen suyễn; dễ bị các bệnh về tai như viêm tai giữa.
Khói thuốc lá có thể lây lan khắp nhà, không bị giới hạn trong các khu vực nhất định, thậm chí khi mở cửa sổ. Do đó, nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ là những người hút thuốc lá thì tình trạng hút thuốc lá thụ động đối với trẻ em là không tránh khỏi, mặc dù có những biện pháp được cho là “bảo vệ trẻ” như hút thuốc lá gần cửa sổ, hoặc ở một phòng tách biệt với phòng của trẻ.
Hầu như 85% của khói thuốc lá là vô hình, khói thuốc lá có thể tồn tại trong phòng tới 2,5 giờ, thậm chí khi đã mở cửa sổ. Các biện pháp thường được thực hiện như hút thuốc lá ngoài cửa sổ hoặc hút thuốc bên cạnh máy quạt, đều không hiệu quả trong việc đuổi khói ra khỏi nhà. Khói thuốc có thể lưu lại trên thảm, đồ nội thất và bức tường, những vật liệu này hấp thụ các chất độc trong khói thuốc lá và dần dần nhả chúng trở lại vào không khí, tạo thêm nguy cơ tiếp xúc lần hai.
Trong không gian kín, ô nhiễm thuốc lá không thể bị loại bỏ khi sử dụng các phương pháp làm sạch thông thường hoặc thông gió. Mặc dù tác động của việc này vẫn chưa rõ ràng, nhưng do trẻ em không thể kiểm soát được hành vi trong lúc chơi đùa ăn uống, nên dễ dàng xảy ra trường hợp trẻ em ăn phải thức ăn có nồng độ khói thuốc cao.
Ngày nay, trẻ em dành phần lớn thời gian cho những hoạt động trong nhà. Tuy nhiên, trẻ em lại chưa đủ khả năng để nhận biết tác hại của khói thuốc lá đối với cơ thể để tự phòng tránh. Như đề cập ở trên, trẻ em thở nhanh hơn người lớn, nên lượng độc tố hít phải từ môi trường bên ngoài cũng cao hơn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, sau khi tiếp xúc với khói thuốc lá, nồng độ cotinine trong trẻ em cao hơn người lớn 70% (cotinine là một chất chuyển hóa của nicotine trong cơ thể, được sử dụng để đánh giá độ phơi nhiễm khói thuốc). Chưa có nghiên cứu về nồng độ các chất độc khác trong trẻ hút thuốc thụ động, nhưng nghiên cứu này cũng đủ đánh một hồi chuông cảnh báo về khả năng ảnh hưởng nặng nề từ khói thuốc lá lên trẻ nhỏ.
Thu Hiền (theo báo Nghệ An)