Ấu trùng giun đào hang dưới da, làm tổ loằng ngoằng do thói quen nhiều người mắc
Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ ở Hải Hương bị nhiễm ký sinh trùng chui dưới da khi đi làm đồng, tiếp xúc với bùn đất khi có vết thương hở và thói quen gần gũi với chó mèo.
Bệnh nhân Nguyễn Thị L (40 tuổi) ở Kinh Môn, Hải Dương cho biết, chị là công nhân may mặc và làm thêm mấy sào ruộng. Cách đây 2 tuần, sau khi đi làm đồng về, bàn tay chị bỗng dưng bị ngứa, hiện rõ các vết ngoằn ngoèo như con giun. Chị ra hiệu thuốc hỏi thì được nhân viên tư vấn mua thuốc về uống. Sau 3 ngày, vết ngứa ngày càng lan rộng hơn, gây cảm giác rất khó chịu vì cứ gãi đến đâu vết lại lan rộng đến đấy. Chị đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để khám.
Ths.BS Đặng Thị Thanh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngứa nhiều, uống thuốc không khỏi, được chỉ định làm các xét nghiệm để tìm ký sinh trùng. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo, giun lươn và giun đầu gai. Bệnh nhân càng gãi sẽ càng thấy ngứa. Giun lươn và giun đầu gai có thể chui vào vết thương hở trong quá trình bệnh nhân làm rộng, tiếp xúc với bùn đất. Ngoài ra bệnh nhân còn nuôi 2 con chó, có thể nhiễm giun đũa chó mèo do tiếp xúc với vật nuôi là chó.
Người bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc với đất, cát ở môi trường ngoại cảnh bị ô nhiễm phân chó, mèo, động vật khác có ấu trùng giun ở giai đoạn lây nhiễm được. Ấu trùng chui qua bề mặt da ở vùng da tay, da chân; vì lạc chủ nên ấu trùng không có men làm phân hủy thành mạch của người nên không thể chui vào máu, chu du khắp cơ thể như loại ấu trùng giun thường ký sinh ở người; do vậy chúng chỉ di chuyển ở các mô dưới da và niêm mạc.
Triệu chứng tại chỗ nơi ấu trùng xâm nhập có vết sẩn đỏ, ngứa, sau thành mọng nước, phát triển ra chung quanh thành một hay nhiều đường ngoằn ngoèo, gồ cao là dấu hiệu của đoạn đường ấu trùng di chuyển. Do ngứa gãi nên có thể bị nhiễm trùng, hóa mủ... Ấu trùng giun có thể tồn tại trong cơ thể người nhiều tuần, có khi nhiều tháng.
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ bị giun đục khắp dưới da, càng gãi càng ngứa. Khi vết ngứa bị chọc thủng, người có vết thương hở tiếp xúc với dịch này cũng bị lây nhiễm do ấu trùng giun chui vào. Người bệnh được chỉ định điều trị giun lươn và giun đầu gai trong 5 -7 ngày, sau đó tiếp tục liệu trình điều trị giun đũa chó mèo khoảng 10-15 ngày.
Bệnh giun lươn hình thành do ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể bằng cách chui qua da, đi theo đường tĩnh mạch chạy lên tim, qua phổi rồi tới khí quản, hầu, sau đó di chuyển xuống thực quản và ruột để sinh trưởng thành giun trưởng thành.
Giun lươn được xếp vào loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa do nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể người và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.Khi ấu trùng thoát ra bên ngoài môi trường, chúng tiếp tục phát triển thành ấu trùng có thực quản hình trụ, có khả năng xâm nhập vào cơ thể người qua da hoặc chúng sống tự do ở bên ngoài môi trường. Đặc biệt, môi trường bên ngoài nóng ẩm là điều kiện phù hợp cho ấu trùng giun lươn phát triển nhưng chúng cũng có thể phát triển ở vùng ôn đới hoặc khí hậu lạnh.
Bệnh giun đầu gai là bệnh do loài ký sinh trùng Gnathostoma spp. gây ra từ việc ăn thịt sống, chưa nấu chín, đặc biệt là các món gỏi, tái từ các loài cá nước ngọt, tôm, tép, cua, ốc, lươn, ếch, nhái… có chứa ấu trùng giun. Do đó, ngoài việc phòng ngừa ăn thực phẩm và dùng nguồn nước đã nấu chín, tiệt trùng thì người bệnh cần đi khám nếu nghi ngờ mắc bệnh giun đầu gai.
Với giun đầu gai, người bệnh có thể vừa bị triệu chứng tại da kết hợp với các triệu chứng tại nội tạng, ví dụ da, mắt, thần kinh… kèm sốt. Tùy thuộc vào sự di chuyển của giun mà mỗi người có dấu hiệu bệnh có thể khác nhau. u trùng Gnathostoma spp. có khả năng di chuyển ngẫu nhiên khắp cơ thể con người. Tùy thuộc vị trí di chuyển của ấu trùng mà bệnh giun đầu gai được chia thành 2 loại chính: bệnh giun đầu gai ở da và bệnh giun đầu gai trong nội tạng.
Để phòng chống bệnh giun móc, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo:
Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, tăng cường giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường không nhiễm phân.
Tạo nếp giữ vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, ăn chín, uống sôi.
Không dùng phân tươi để bón ruộng vườn.
Mang đồ bảo hộ lao động khi lao động sản xuất có tiếp xúc với đất.
Ở vùng hầm mỏ, tiến hành khám sức khỏe hàng năm và xét nghiệm ít nhất 1 lần/năm.
Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao:Tẩy giun định kì 2 lần/năm, thời gian giữa 2 lần cách nhau 4 - 6 tháng.
Thái Thúy (Theo SK&ĐS)