Lối sống ít vận động cùng với chế độ ăn uống nhiều chất béo là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch. Hãy thực hiện 8 bí quyết duy trì một trái tim khỏe mạnh dưới đây.
Khi hấp thụ một lượng mỡ cao, cơ thể sẽ không thể đào thải hết, vì thế lượng mỡ dư thừa sẽ bám vào thành mạch máu gây tắc nghẽn. Vì vậy, tim phải co bóp mạnh hơn, nhiều hơn để tuần hoàn máu đi khắp cơ thể.
Để trái tim khỏe mạnh, dưới đây là những bí quyết cần thực hiện ngay:
Nên có chế độ ăn uống cân đối tốt cho tim mạch
Một thực đơn khoa học, hợp lý có vai trò rất quan trọng đối đối với sức khỏe tim mạch.
Khẩu phần ăn cân đối là một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Theo các khuyến nghị mới nhất chế độ ăn uống cân bằng bao gồm rau và trái cây chiếm khoảng một nửa khẩu phần ăn. Phần còn lại là chứa chất đạm và ngũ cốc. Hơn nữa, các bữa ăn cân đối nên đi kèm với một khẩu phần nhỏ sữa có hàm lượng chất béo thấp hoặc nguồn dinh dưỡng từ các sản phẩm từ sữa.
Ngoài ra, để trái tim khỏe mạnh cần ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, thực phẩm giàu chất xơ, chất béo không bão hòa. Đồng thời, hãy hạn chế các thực phẩm không tốt cho tim mạch như thức ăn chứa nhiều natri (muối), đường, chất béo bão hoà,…
Vận động thường xuyên tốt cho tim mạch
Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ tăng cường sức khỏe tim mạch mà còn giảm căng thẳng - yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp, đau tim. Kết hợp các hình thức vận động khác nhau còn đem đến nhiều lợi ích cho cơ thể.
Vận động đều đặn giúp tăng cường sức mạnh cơ tim, cải thiện khả năng bơm máu và oxy của tim đi khắp cơ thể, nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hoạt động thể chất còn hỗ trợ tăng cường cơ tim, duy trì trọng lượng cơ thể và phòng tránh tổn thương động mạch do cholesterol cao, tăng huyết áp. Tập thể dục còn giúp người bệnh tim hạn chế căng thẳng, ngủ ngon và ăn ngon miệng hơn.
Lối sống ít vận động cùng với chế độ ăn uống nhiều chất béo là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.
Vì vậy, để tốt cho tim mạch nên tập thể dục đều đặn ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc 30 phút mỗi ngày để cải thiện sức khỏe tim mạch. Bạn có thể lựa chọn bất kỳ hoạt động vận động nào mà bạn thích, như đi bộ, chạy bộ, bơi lội,….
Uống đủ nước
Uống đủ nước mỗi ngày không chỉ là một thói quen tốt mà còn là một yếu tố quan trọng giúp duy trì sức khỏe toàn diện. Nước không chỉ đơn thuần là chất lỏng bạn nạp vào cơ thể, mà còn là nguồn sống quyết định đến sự hoạt động của mọi cơ quan. Việc cung cấp đủ nước sẽ giúp bảo vệ mạch máu, phòng ngừa tăng huyết áp, đột quỵ,… Vì vậy, để duy trì sức khỏe tim mạch, hãy đảm bảo hấp thụ từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày.
Thời điểm uống nước có lợi cho tim mạch được khuyến cáo là uống 1 ly nước khi vừa ngủ dậy vì thời điểm các cục máu đông có nguy cơ hình thành cao nhất, uống nước vào thời điểm này sẽ làm các khối mỡ trên thành mạch bong ra. Ngoài ra còn tốt cho hệ bài tiết, đường tiết niệu.
Nên uống1 ly nước trước khi đi ngủ 30 phút vì nước sẽ giúp bạn phòng ngừa được các bệnh lý về tim mạch hiệu quả.
Kiểm soát cân nặng, giảm béo phì
Việc kiểm soát cân nặng rất tốt cho tim mạch, giảm cân nếu cần thiết với bệnh nhân béo phì, đái tháo đường, việc giảm cân sẽ bảo vệ bạn khỏi những biến chứng tim mạch nguy hiểm như suy tim, tai biến mạch máu não,… Vì vậy, nếu cần thiết, nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ và có kế hoạch giảm cân kịp thời.
Không hút thuốc lá, giảm uống rượu
Rượu bia, đồ uống có cồn gây hại cho tim mạch, tương tự thuốc lá cũng vậy. Việc hạn chế cồn và không hút thuốc giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mạch vành, cao huyết áp, suy tim,… Vì vậy, nên hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn những thói quen xấu này;
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Nên tầm soát các bệnh về tim mạch 2 lần/năm. Hiện nay tỷ lệ tử vong do các bệnh lý về tim mạch ngày càng cao (chiếm từ 35 – 65%). Vì thế việc tầm soát tim mạch là hết sức cần thiết, giúp phát hiện kịp thời tình trạng bệnh và có phương án điều trị phù hợp.
Việc thường xuyên kiểm tra các chỉ số huyết áp, đường huyết, cholesterol,… mỗi 6 – 12 tháng/lần giúp cập nhật được các vấn đề sức khỏe và có biện pháp chữa trị kịp thời.
Giảm căng thằng
Căng thẳng kéo dài có thể gây cao huyết áp, đau ngực hoặc nhịp tim không đều. Khi căng thẳng, cơ thể giải phóng hormone adrenaline và cortisol để đối phó với nguy hiểm, dẫn đến tăng nhịp tim, huyết áp. Đây là phản ứng tự nhiên song tình trạng này xảy ra thường xuyên hoặc quá mức trở thành trạng thái bất thường, ảnh hưởng sức khỏe lâu dài.
Khi tim đập nhanh, cơ tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, giảm khả năng bơm máu. Lượng máu bơm ra ít hơn khiến các cơ quan trong cơ thể có thể không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, gây tổn thương, suy giảm chức năng. Hậu quả là người bệnh mất ngủ, suy giảm tập trung, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Vì vậy, nên tìm hiểu các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga, hay học cách quản lý thời gian và áp lực trong cuộc sống hàng ngày.
Ngủ đủ giấc
Một giấc ngủ ngon vào ban đêm rất quan trọng với sức khỏe tim mạch. Vì vậy, hãy đảm bảo ngủ đủ từ 7 – 9 giờ mỗi đêm. Việc ngủ đủ giấc sẽ giúp điều hòa huyết áp và giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)