Vitamin D có thể giúp duy trì nhiều chức năng quan trọng của cơ thể như thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi và phốt pho, giúp hình thành xương và răng chắc khỏe, chống lại nhiễm trùng và bệnh tật. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến còi xương ở trẻ em và loãng xương ở người lớn.
Mặc dù lượng vitamin D được khuyến nghị hàng ngày là 600 IU ở người lớn và 800 IU đối với người trên 70 tuổi, nhưng việc duy trì mức lý tưởng này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Ngay cả việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và ăn thực phẩm giàu vitamin D đôi khi cũng không đủ, cần bổ sung bằng thuốc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
1. Dấu hiệu cảnh báo cơ thể không đủ vitamin D
Một số dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu vitamin D dễ bị bỏ qua:
- Đau xương và khớp: Nếu mức vitamin D thấp, cơ thể không hấp thụ hoàn toàn canxi và phốt pho, có thể làm tăng nguy cơ đau xương, gãy xương, đau cơ và yếu cơ. Khi tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, có thể làm tăng nguy cơ té ngã, đặc biệt là đối với người lớn tuổi.
- Yếu cơ và co thắt: Vitamin D có thể đóng vai trò quan trọng trong chức năng cơ bình thường và khi bị yếu hoặc đau cơ, có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng thiếu vitamin D, làm tăng nguy cơ té ngã.
Những người lớn tuổi, dễ bị thiếu vitamin D, đặc biệt là những người ít ra ngoài, có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung vitamin D.
- Vấn đề về răng: Thiếu vitamin D có liên quan đến sâu răng và sức khỏe răng miệng kém. Không đủ vitamin D có thể dẫn đến một loạt các bệnh về răng miệng và có liên quan đến nguy cơ cao hơn các khiếm khuyết về răng như sâu răng, viêm nha chu và thất bại trong điều trị răng miệng.
- Rụng tóc: Thiếu hụt vitamin D có liên quan đến tế bào sừng, một loại tế bào quan trọng đối với sự phát triển của tóc. Nếu mức độ vitamin D thấp có thể gây rụng tóc.
Một nghiên cứu được công bố trên Cureus cho thấy, mức vitamin D trong huyết thanh thấp có thể dẫn đến rụng tóc androgenetic, một loại rụng tóc phổ biến, còn được gọi là hói đầu kiểu nam và rụng tóc kiểu nữ. Rụng tóc từng vùng cũng có liên quan đến tình trạng thiếu vi chất này.
- Mệt mỏi: Mệt mỏi không rõ nguyên nhân và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi đầy đủ cũng có thể bắt nguồn từ tình trạng thiếu hụt vitamin D. Không có đủ lượng vitamin D có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng, mệt mỏi và sức khỏe tinh thần kém.
- Mất cảm giác thèm ăn (chán ăn): Chán ăn có liên quan đến thiếu hụt vitamin D. Điều này là do vitamin D có liên quan đến việc điều chỉnh leptin, hormone điều chỉnh cảm giác thèm ăn.
2. Cách khắc phục tình trạng thiếu hụt vitamin D
- Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: Dành thời gian dưới ánh sáng mặt trời, đặc biệt là vào buổi sáng có thể giúp cơ thể sản xuất tốt loại vitamin thiết yếu này.
- Tăng cường ăn cá: Một số loại cá như cá béo bao gồm cá hồi, cá thu, cá mòi và hải sản chứa nhiều vitamin D.
- Lòng đỏ trứng: Lòng đỏ trứng là một nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên. Lượng vitamin D trong trứng có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và chế độ ăn của gà mái. Theo đó, trứng gà thả rông thường có hàm lượng vitamin D cao hơn.
Thêm lòng đỏ trứng vào bữa ăn là một cách đơn giản để tăng lượng vitamin D hấp thụ, đặc biệt là khi kết hợp với các loại thực phẩm giàu vitamin D khác để có cách tiếp cận toàn diện nhằm đáp ứng nhu cầu hàng ngày của cơ thể.
- Bổ sung thực phẩm tăng cường: Nhiều loại thực phẩm được tăng cường vitamin D, bao gồm sữa, ngũ cốc ăn sáng, nước cam, sữa chua, đồ uống đậu nành và đậu phụ...
Lưu ý, không nên bổ sung quá liều bằng thuốc, vì có thể gây ra các tác dụng phụ. Nồng độ vitamin D quá cao có thể gây buồn nôn, nôn, lú lẫn và sỏi thận. Các chất bổ sung vitamin D có thể tương tác với một số loại thuốc nhất định và không nên bắt đầu sử dụng mà không có đơn thuốc của bác sĩ. Ở liều khuyến cáo, việc bổ sung vitamin D thương an toàn.
Phạm Hường (theo báo SK&ĐS)