Các vitamin, khoáng chất là những chất dinh dưỡng thiết yếu, giúp cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số cặp chất dinh dưỡng phố biến nếu dùng cùng nhau sẽ ảnh hưởng đến hấp thụ và tương tác bất lợi…
Thông thường, chúng ta tự mua thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất về dùng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng. Mặc dù tình trạng đe dọa tính mạng do sử dụng thuốc bổ sung rất hiếm, nhưng nhiều cá nhân không biết rằng, một số loại vitamin, khoáng chất phản ứng và có tác động xấu hơn đến cơ thể.
Một số chất dinh dưỡng có thể tương tác với sự hấp thụ, tác dụng hoặc khả năng có sẵn của các chất dinh dưỡng khác, theo cách ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Do đó, điều quan trọng là phải biết loại vitamin và khoáng chất nào có khả năng tương tác với nhau để tránh dùng cùng.
1. Một số cặp vitamin, khoáng chất không dùng cùng nhau
- Canxi ức chế hấp thụ sắt
Canxi ức chế sự hấp thụ sắt non-heme (có trong thực vật), thông qua sự ức chế hấp thụ sắt trong ruột. Lượng canxi cao làm giảm khả dụng sinh học của sắt bằng cách làm giảm sự hấp thụ các nguồn sắt có nguồn gốc thực vật, có thể dẫn đến tình trạng thiếu sắt ở những người áp dụng chế độ ăn hoàn toàn từ thực vật. Để giảm thiểu tác động này, nên uống canxi và viên bổ sung sắt vào những thời điểm khác nhau.
- Vitamin C ảnh hưởng đến sự ổn định của vitamin B12
Vitamin C có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của vitamin B12 trong đường tiêu hóa. Lượng vitamin C hấp thụ cao có liên quan đến khả năng phân hủy vitamin B12, mặc dù điều này thường không xảy ra, nếu chế độ ăn uống có lượng vitamin trung bình.
Liều lượng lớn vitamin C sẽ cản trở quá trình hấp thụ vitamin B12, đặc biệt là ở những người được chẩn đoán thiếu hụt vitamin này. Nếu dùng liều lượng cao vitamin C, cần phải theo dõi vitamin B12.
- Vitamin E cản trở chức năng của vitamin K
Lượng vitamin E cao sẽ cản trở chức năng của vitamin K trong quá trình đông máu. Vitamin K tham gia vào quá trình tổng hợp các yếu tố đông máu và tác dụng của nó có thể bị đối kháng bởi liều vitamin E cực cao, do đó gây ra xu hướng biến chứng chảy máu, đặc biệt là đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu.
Do đó, khuyến cáo những người dùng liều cao vitamin E bổ sung hoặc đang dùng liệu pháp chống đông máu, nên chú ý đến lượng vitamin K hấp thụ; tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế để tránh các tương tác tiềm ẩn có thể phá vỡ sự cân bằng tổng thể của các chất dinh dưỡng trong cơ thể.
- Kẽm và đồng cạnh tranh nhau để hấp thụ
Kẽm và đồng cạnh tranh nhau để hấp thụ trong ruột. Lượng kẽm hấp thụ cao sẽ cản trở quá trình hấp thụ đồng, có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu đồng. Điều này đặc biệt lưu ý đối với những người dùng viên bổ sung kẽm liều cao trong thời gian dài.
Nếu bổ sung kẽm thường xuyên, hãy cân bằng chế độ ăn uống hoặc bổ sung để phù hợp với khoáng chất này.
- Canxi ảnh hưởng đến hấp thụ magiê
Canxi và magiê có thể cạnh tranh hấp thụ chủ yếu ở đường tiêu hóa, đặc biệt là ở liều cao. Mặc dù cả hai đều cần thiết cho quá trình khoáng hóa xương và một số chức năng sinh lý, nhưng lượng hấp thụ cao của một trong hai có thể ức chế sự hấp thụ của chất kia.
Nguyên tắc chung là cân bằng lượng bổ sung hoặc tiêu thụ thực phẩm có chứa cả hai khoáng chất theo tỷ lệ thích hợp.
- Không dùng chung vitamin tan trong chất béo và vitamin tan trong nước
Các vitamin tan trong chất béo như vitamin D không nên dùng cùng với các vitamin tan trong nước như vitamin B12. Vitamin D cần có thức ăn để hoạt động hiệu quả, trong khi vitamin B12 cần uống khi bụng đói.
2. Làm thế nào để sử dụng thực phẩm bổ sung hiệu quả?
Nhìn chung, các chất dinh dưỡng được tiêu thụ thông qua chế độ ăn uống đa dạng sẽ ít gây ra vấn đề hơn so với các chất bổ sung liều cao. Do đó, tập trung vào chế độ ăn uống đa dạng để có được các vitamin, khoáng chất thiết yếu với lượng phù hợp.
Đối với thực phẩm bổ sung, tiêu thụ các chất dinh dưỡng tương tác với nhau vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Ví dụ: Nếu dùng canxi vào buổi sáng, nên dùng sắt vào bữa tối, sẽ giúp hấp thụ tốt hơn cả hai loại khoáng chất này.
Việc theo dõi thường xuyên mức chất dinh dưỡng là rất quan trọng khi sử dụng chất bổ sung, đặc biệt là ở liều cao hoặc khi dùng nhiều chất bổ sung cùng lúc. Thực hành này có thể giúp phát hiện sớm bất kỳ sự mất cân bằng tiềm ẩn nào, cho phép can thiệp kịp thời để giải quyết chúng.
Theo dõi mức chất dinh dưỡng đảm bảo rằng cơ thể đang nhận được lượng vitamin và khoáng chất thiết yếu thích hợp, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ ngộ độc do bổ sung quá mức.
Nên tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế hoặc dinh dưỡng để thiết lập một kế hoạch bổ sung cá nhân hóa phù hợp với nhu cầu. Bằng cách luôn cảnh giác và chủ động theo dõi mức chất dinh dưỡng, mọi người có thể tối ưu hóa lợi ích của việc bổ sung, trong khi giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc sử dụng không đúng cách. Duy trì cách tiếp cận cân bằng, có hiểu biết đối với việc bổ sung là chìa khóa để hỗ trợ sức khỏe và hạnh phúc tổng thể.
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)