02/01/2025
5 câu hỏi thường gặp với người bệnh hẹp ống sống
Lượt xem: 23
Khi bị hẹp ống sống, các dây thần kinh và tủy sống bị chèn ép dẫn đến các triệu chứng như đau, tê, yếu, thậm chí là liệt. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Hẹp ống sống do các nguyên nhân như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, chấn thương cột sống, bệnh lý cột sống bẩm sinh hoặc các bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, bệnh Paget xương, khối u cột sống...
1. Đông y có chữa được bệnh hẹp ống sống không?
Đông y có thể hỗ trợ điều trị hẹp ống sống nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn tình trạng này. Hẹp ống sống là một bệnh lý liên quan đến cấu trúc xương khớp và sự chèn ép thần kinh, trong khi Đông y tập trung vào việc cân bằng khí huyết và điều chỉnh chức năng cơ thể. Do đó, Đông y thường được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh hẹp ống sống như châm cứu, bấm huyệt giúp giảm đau, thư giãn cơ bắp và cải thiện lưu thông máu, xoa bóp và sử dụng một số bài thuốc bổ can thận, mạnh gân cốt, hoạt huyết thông kinh lạc.
Đông y có thể được sử dụng kết hợp với các phương pháp điều trị y học hiện đại để tăng hiệu quả điều trị hẹp ống sống.
2. Hẹp ống sống có nguy hiểm không?
Hẹp ống sống là một tình trạng bệnh lý có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, từ nhẹ đến nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mức độ nguy hiểm của hẹp ống sống phụ thuộc vào vị trí hẹp, mức độ hẹp và mức độ chèn ép lên tủy sống và các rễ thần kinh. Mức độ nguy hiểm theo vị trí hẹp:
Hẹp ống sống thắt lưng: Đây là vị trí phổ biến nhất, các biến chứng có thể bao gồm đau thần kinh tọa, tê bì, yếu cơ ở chân, khó khăn khi đi lại, rối loạn đại tiểu tiện và trong trường hợp nặng có thể gây liệt hai chân.
Hẹp ống sống cổ: Các biến chứng có thể bao gồm đau cổ, đau lan xuống vai và tay, tê bì, yếu cơ ở tay, khó giữ thăng bằng và trong trường hợp nặng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của cả tay và chân.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ hẹp ống sống như đau lưng hoặc đau cổ dữ dội và kéo dài; tê bì hoặc yếu cơ ở tay hoặc chân ngày càng nặng; khó khăn trong việc đi lại hoặc giữ thăng bằng; rối loạn chức năng ruột hoặc bàng quang, hãy đi khám ngay lập tức để được tư vấn, bác sĩ sẽ chẩn đoán, đánh giá tình trạng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, kịp thời.
3. Hẹp ống sống có chữa khỏi được không?
Hẹp ống sống khó có thể chữa khỏi hoàn toàn, đặc biệt là các trường hợp do thoái hóa. Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị phù hợp, có thể kiểm soát tốt các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Việc chẩn đoán sớm và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ là rất quan trọng.
Đối với các trường hợp nhẹ đến trung bình: Với các phương pháp điều trị bảo tồn, có thể kiểm soát tốt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, khó có thể chữa khỏi hoàn toàn, vì các thay đổi thoái hóa thường là nguyên nhân gây hẹp ống sống và không thể đảo ngược.
Đối với các trường hợp nặng cần phẫu thuật: Phẫu thuật có thể giúp giảm áp lực lên tủy sống và các dây thần kinh, cải thiện đáng kể các triệu chứng và phục hồi chức năng vận động. Tuy nhiên, phẫu thuật cũng có những rủi ro nhất định và không đảm bảo chữa khỏi hoàn toàn. Một số người bệnh có thể vẫn còn một số triệu chứng sau phẫu thuật.
4. Cách chăm sóc người bệnh hẹp ống sống tại nhà
Chăm sóc người bị hẹp ống sống tại nhà đóng vai trò quan trọng trong việc giảm đau, cải thiện khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nghỉ ngơi hợp lý: Tránh các hoạt động gắng sức, mang vác vật nặng hoặc các tư thế xấu gây áp lực lên cột sống. Tuy nhiên, không nên nghỉ ngơi hoàn toàn, mà cần vận động nhẹ nhàng để duy trì sự linh hoạt của cột sống và ngăn ngừa cứng khớp. Cần có tư thế đúng khi đứng, ngồi và nằm ngủ. Tránh một tư thế quá lâu hoặc cúi người về phía để nâng vật nặng.
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)