Mở rộng, đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và tự xét nghiệm... phấn đấu đạt 95% tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình vào năm 2030 và giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao…
Đó là mục tiêu đề ra về xét nghiệm HIV trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể cần đạt được là:
- Tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 90% vào năm 2025 và 95% vào năm 2030.
- Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV được xét nghiệm HIV hằng năm đạt 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
1. Đẩy mạnh xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm
Báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hiện giám sát ca bệnh được triển khai đồng bộ tại 63/63 tỉnh, thành phố thông qua hệ thống HIV-INFO 4.0 và 100% người nhiễm HIV được quản lý trên hệ thống này. Giám sát trọng điểm HIV triển khai tại 20/63 tỉnh thành phố theo Quyết định số 64/QĐ-AIDS ngày 24/04/2024 về việc ban hành Hướng dẫn địa bàn, đối tượng, phương pháp chọn mẫu và quy trình tổ chức triển khai giám sát trọng điểm.
Các hoạt động và mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV được triển khai đa dạng. Hiện toàn quốc có hơn 1.300 phòng xét nghiệm sàng lọc và 251 phòng xét nghiệm khẳng định HIV (trong đó 4 phòng xét nghiệm khẳng định thuộc khu vực tư nhân).
50/63 tỉnh, thành phố triển khai xét nghiệm nhiễm mới HIV và kết quả nhiễm mới HIV sẽ cung cấp dữ liệu về cấp độ quần thể nhiễm mới HIV, để phân tích nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV; xác định điểm nóng cần lập kế hoạch dự phòng và đáp ứng y tế công cộng… đồng thời giúp nhân viên y tế xác định ưu tiên và tư vấn tăng cường, hiệu quả trong việc tìm ra các ca nhiễm HIV khác, kết hợp đồng bộ việc chăm sóc điều trị ngay, can thiệp dự phòng, chuyển gửi ưu tiên và giám sát chủ động.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã và đang tập trung vào mục tiêu mở rộng, đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và tự xét nghiệm, hướng đến việc đạt 95% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng của mình vào năm 2030, cụ thể:
- Triển khai dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng ở 33 tỉnh/thành phố.
- Cung cấp tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình và người chích chung của người nhiễm HIV, cũng như các nhóm có hành vi nguy cơ cao và các hoạt động truy vết.
- Cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm tại các tỉnh trong khuôn khổ dự án Quỹ Toàn cầu và Dự án EPIC.
- Triển khai cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm trực tuyến qua website http://tuxetnghiem.vn tại 32 tỉnh/thành phố.
Mở rộng xét nghiệm nhằm phát hiện sớm các ca nhiễm mới, giúp can thiệp kịp thời và hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV. Bên cạnh đó, duy trì và mở rộng mạng lưới cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV và xét nghiệm phục vụ theo dõi, điều trị, đảm bảo chất lượng hoạt động tư vấn xét nghiệm, điều trị HIV (thực hiện giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cao năng lực cho các cơ sở xét nghiệm. Ngoài ra, các hướng dẫn chuyên môn và hành lang pháp lý cũng được xây dựng để hỗ trợ triển khai hoạt động này một cách hiệu quả)…
2. Giải pháp thực hiện chỉ tiêu về tư vấn xét nghiệm HIV
Để thực hiện mục tiêu về xét nghiệm đến năm 2030, 95% tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình, trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2023 quy định rõ:
2.1 Xét nghiệm sàng lọc HIV: Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế, mở rộng xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV;
Triển khai các mô hình tư vấn xét nghiệm HIV phù hợp với từng nhóm có hành vi nguy cơ cao, gồm người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, phụ nữ bán dâm, phạm nhân; mở rộng triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV; xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai;
Ứng dụng các kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm mới, phương pháp lấy mẫu mới trong chẩn đoán nhiễm HIV, xác định những người có hành vi nguy cơ cao để triển khai các biện pháp can thiệp phù hợp phòng lây nhiễm HIV;
2.2 Mở rộng các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV: Đặc biệt là ở tuyến huyện khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để trả kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính cho người được xét nghiệm trong thời gian sớm nhất; thường xuyên cập nhật các phương pháp xét nghiệm khẳng định HIV dương tính.
2.3 Bảo đảm chất lượng xét nghiệm HIV: Bảo đảm chất lượng xét nghiệm HIV thông qua các hoạt động nội kiểm, ngoại kiểm, giám sát hỗ trợ kỹ thuật, kiểm định chất lượng phòng xét nghiệm nhằm nâng cao chất lượng tư vấn xét nghiệm HIV; bảo đảm và duy trì các phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia về HIV/AIDS.
2.4 Đẩy mạnh các biện pháp để chuyển gửi thành công: Đẩy mạnh các biện pháp để chuyển gửi thành công người nhiễm HIV từ dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV đến dịch vụ chăm sóc, điều trị bằng thuốc kháng virus HIV.
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)