image banner
Nghệ An chủ động thực hiện chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2024
Lượt xem: 478
Trong năm 2023, ở Nghệ An nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung đã xảy ra tình trạng thiếu hụt một số loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. 
 

Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi cùng Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thương – Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết về thực trạng thiếu một số vắc-xin tiêm chủng trong năm 2023 ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung? Đâu là nguyên nhân?

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thương: Những tháng đầu năm 2023 đến nay, đã xảy ra tình trạng thiếu hụt một số loại vắc-xin, cụ thể như: vắc-xin 5 trong 1 (SII), bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT) (tháng 8/2023 có một đợt cấp 12.300 liều vắc-xin SII phân bổ cho các địa phương). Từ tháng 10/2023 đến nay, hầu hết các loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã hết, chỉ còn có hai loại vắc-xin để thực hiện tiêm chủng là viêm não Nhật Bản và uốn ván cho phụ nữ có thai.
 

Anh-tin-bai
Tiêm chủng mở rộng đã và đang được thực hiện tại trạm y tế tuyến xã. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Nguyên nhân của việc thiếu hụt vắc-xin là: Vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ trước tới nay do Bộ Y tế cung cấp cho tất cả các địa phương trên toàn quốc. Trong thời gian qua, tình hình cung ứng vắc-xin không đảm bảo, không đáp ứng được nhu cầu tiêm chủng tại địa phương.

Quý I năm 2023, Bộ Y tế giao Ủy ban nhân dân các tỉnh tự cân đối ngân sách để mua vắc-xin tiêm miễn phí cho người dân. Sở Y tế Nghệ An đã tổng hợp dự trù số lượng vắc-xin và vật tư tiêm chủng cần phải có trong những tháng cuối năm 2023 và toàn bộ năm 2024; đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện mua sắm vắc-xin và vật tư tiêm chủng. Nhưng sau đó, Trung ương nhận thấy nếu để các tỉnh thực hiện mua vắc-xin sẽ có nhiều bất cập, vậy nên Chính phủ đã giao Bộ Y tế tiếp tục cung cấp nguồn vắc-xin tiêm chủng mở rộng cho các địa phương.

Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Theo đó, bố trí ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đảm bảo thống nhất, hiệu quả trong cả nước. Ngày 10/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc-xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Theo đó, ngân sách Trung ương tiếp tục triển khai tiêm chủng đảm bảo cung ứng vắc-xin.

Đến nay, các địa phương dù đã ban hành nhiều văn bản đề xuất nhu cầu vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhưng vẫn chưa được cấp đủ theo nhu cầu, nên tình trạng thiếu hụt vẫn tiếp tục diễn ra.

P.V: Trước tình hình thiếu hụt vắc-xin như vậy, ngành Y tế Nghệ An đã có những giải pháp ứng phó nào?

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thương: Trước tình trạng thiếu hụt vắc-xin trên toàn quốc nói chung và Nghệ An nói riêng, Sở Y tế Nghệ An đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đáp ứng với tình trạng thiếu hụt vắc-xin trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Đã triển khai chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về tình hình cung ứng các loại vắc-xin trong thời gian tới qua hệ thống loa phát thanh, truyền hình, mạng xã hội nhằm giúp người dân hiểu, đồng thuận và hỗ trợ ngành Y tế trong hoạt động tiêm chủng mở rộng hiện nay, đặc biệt là để người dân chủ động lựa chọn hình thức tiêm chủng phù hợp cho các đối tượng tiêm chủng.

Anh-tin-bai
Thực hiện khám sức khoẻ, tiêm các loại vắc-xin dịch vụ thay thế vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ảnh: Thành Chung

Từ tháng 11/2022 đến nay, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các địa phương thường xuyên, chủ động rà soát tất cả các đối tượng tiêm chủng đã đến lịch tiêm nhưng phải hoãn do các nguyên nhân khác, tiến hành tiêm bổ sung vào 2 ngày tiêm chủng định kỳ trong tháng để hoàn thành mũi tiêm còn thiếu cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng khi được cấp vắc-xin.

Về phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đã dựa vào hạn sử dụng của vắc-xin và chủ động đề xuất tối đa số vắc-xin có thể cấp từ Trung ương về cho địa phương để triển khai tiêm chủng. Trong bối cảnh hết vắc-xin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn Trung tâm Y tế tuyến huyện/cơ sở y tế có phòng sinh hướng dẫn, tuyên truyền người dân đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đủ điều kiện để tiêm phòng nhằm đảm bảo miễn dịch cơ bản… Đối với vắc-xin viêm gan B sơ sinh, Trung tâm đã hướng dẫn các cơ sở y tế có phòng sinh tư vấn cho gia đình đưa trẻ đến các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn để tiêm trong vòng 24h sau sinh nhằm tạo miễn dịch chủ động.

Trước tình trạng khan hiếm vắc-xin hiện nay, Sở Y tế cũng đã khuyến cáo gia đình có thể cho các cháu tiêm các loại vắc-xin dịch vụ thay thế vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có các hệ thống tiêm chủng dịch vụ trong và ngoài hệ thống nhà nước có đầy đủ các vắc-xin thay thế các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêm chủng trên địa bàn. Tiêm chủng dịch vụ chiếm tỷ lệ từ 25%-45% số mũi tiêm các loại.

Hệ thống tiêm chủng dịch vụ ở Nghệ An gồm có: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh với 1 phòng tiêm dịch vụ; 21/21 Trung tâm Y tế tuyến huyện có đăng ký mở cơ sở tiêm chủng dịch vụ, trong đó có 17 huyện triển khai tiêm các vắc-xin dịch vụ có thể thay thế các vắc-xin tiêm chủng mở rộng; 258/460 trạm y tế xã có triển khai tiêm chủng dịch vụ (hệ thống nhà nước). Ngoài ra, còn có 48 cơ sở thuộc hệ thống phòng tiêm dịch vụ tư nhân.

P.V: Ông có thể cho biết kết quả cụ thể của hoạt động tiêm chủng mở rộng tỉnh Nghệ An năm 2023?

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thương: Trong năm qua, ngành Y tế Nghệ An đã tổ chức tiêm chủng thường xuyên tại 543 điểm tiêm trên địa bàn toàn tỉnh đối với các loại vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và có 70 điểm tiêm chủng dịch vụ luôn đầy đủ các loại vắc-xin thực hiện tiêm chủng theo nhu cầu của người dân. Ngành đã tiến hành rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét, tiêm chiến dịch đối với các vùng có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp hoặc xảy ra dịch bệnh đối với bệnh truyền nhiễm có vắc-xin tiêm chủng. Cụ thể là tiêm vắc-xin bại liệt (IPV), uống vắc-xin bại liệt (bOPV) và tiêm vắc-xin sởi – Rubella (MR) cho 11 huyện nguy cơ cao; tiêm vắc-xin cúm mùa cho nhân viên y tế năm 2023.

Ước 12 tháng năm 2023 kết quả tiêm chủng vắc-xin của tỉnh Nghệ An có 5/9 chỉ số đạt chỉ tiêu kế hoạch giao gồm: Tỷ lệ tiêm vắc-xin lao đạt 90%; Viêm gan B sơ sinh đạt trên 80%; phụ nữ có thai tiêm UV2+ đạt 85%; Sởi/Rubella đạt 95%; Viêm não Nhật Bản B mũi 1, 2, 3 đạt 90%... Có 4/9 chỉ tiêu còn lại không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra: Tiêm chủng đầy đủ giảm 15%; tiêm bạch hầu-ho gà-uốn ván mũi 4 cho trẻ 18 tháng giảm 30%; tiêm sởi cho trẻ 9 tháng giảm 15% và đủ mũi bại liệt giảm 10% do thiếu vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

P.V: Trong năm 2024, dự báo tình hình vắc-xin sẽ ra sao? Ông có khuyến cáo gì đối với người dân trong việc tham gia tiêm chủng phòng bệnh?

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thương: Theo thông báo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Ngày 15/12/2023, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã tiếp nhận 490.600 liều vắc-xin 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib) để triển khai trong tiêm chủng thường xuyên các tháng đầu năm 2024 do Chính phủ Úc viện trợ, dự kiến sẽ cấp cho các địa phương vào tuần thứ 2 của tháng 1/2024.

Anh-tin-bai
Thời gian tới, các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh vẫn tổ chức tiêm chủng thường xuyên theo lịch đối với các vắc-xin được cung ứng. Ảnh tư liệu: Thành Chung

Sở Y tế Nghệ An sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát số đối tượng và triển khai tiêm chủng ngay khi được tiếp nhận vắc-xin theo nguyên tắc: Ưu tiên trẻ ≥ 2 tháng chưa được tiêm mũi 1 vắc-xin DPT-VGB-Hib bao gồm cả trẻ >12 tháng (ưu tiên trước cho nhóm tuổi nhỏ nhất); tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin DPT-VGB-Hib gồm cả trẻ trên 12 tháng.

Đối với các vắc-xin khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng hiện nay chưa có thông tin chính thức của Bộ Y tế về việc cung ứng cho các địa phương trong thời gian tới… Với tình hình như vậy, Sở Y tế Nghệ An sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo đối với việc xây dựng kế hoạch, điều tra, rà soát, thống kê, tổng hợp báo cáo và quản lý tốt các đối tượng tiêm chủng (cả đối tượng sử dụng tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ). Nâng cao vai trò, trách nhiệm, chỉ đạo, tham gia của các cấp chính quyền địa phương. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở tiêm chủng trong việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao. Cân đối, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương đảm bảo đáp ứng các hoạt động tiêm chủng tại địa phương; nguồn vắc-xin và vật tư tiêm chủng do kinh phí Trung ương đảm bảo.

Sở Y tế cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ, đánh giá chỉ tiêu tiêm chủng của từng đơn vị nhằm khắc phục ngay những vấn đề tồn tại và đôn đốc thực hiện đạt chỉ tiêu tiêm chủng; áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiêm chủng, đặc biệt là duy trì tốt Hệ thống quản lý thông tin Quốc gia trong quản lý tiêm chủng; tăng cường công tác quản lý, bảo quản vắc-xin tại các tuyến đảm bảo chất lượng vắc-xin, sử dụng hiệu quả và triển khai tiêm chủng an toàn.

Cần phải nói thêm rằng: Trong thời gian chờ cung ứng một số vắc-xin bị thiếu trong tiêm chủng mở rộng, các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh vẫn tổ chức tiêm chủng thường xuyên theo lịch đối với các vắc-xin được cung ứng. Các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh thường xuyên rà soát đối tượng tiêm chủng và thông báo đến phụ huynh của các trẻ cần tiêm bù đưa trẻ đến tiêm càng sớm càng tốt khi vắc-xin được cung ứng trở lại. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ nhanh chóng xin ý kiến từ Bộ Y tế về việc tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ bị trễ lịch tiêm.

Ngành Y tế khuyến cáo: Hiện một số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vẫn chưa được tiêm ngừa, tiêm ngừa không đầy đủ hoặc tiêm trễ, khiến trẻ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: Bạch hầu, uốn ván, ho gà... do không có kháng thể bảo vệ. Vì vậy, nhằm hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm, các bậc phụ huynh cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm cho trẻ như: Tránh tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, người bệnh phải thực hiện cách ly; nếu cần thiết phải tránh tiếp xúc gần; vệ sinh cá nhân, ăn uống, luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, mưa…; tăng cường dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho trẻ.

Đối với những gia đình có điều kiện, các bậc phụ huynh có thể đưa con em đến các điểm tiêm dịch vụ có triển khai tiêm vắc-xin trên địa bàn toàn tỉnh để được tư vấn khám, phân loại và chỉ định tiêm vắc-xin phù hợp theo lứa tuổi.

P.V: Cảm ơn ông!

Thái Thuý (Theo Báo Nghệ An )

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14