1. Lợi ích của các bài tập vận động với người mắc hội chứng Dressler
Hội chứng Dressler là một dạng viêm màng ngoài tim thứ phát, xuất hiện sau nhồi máu cơ tim hoặc sau các can thiệp phẫu thuật tim, là phản ứng miễn dịch xảy ra muộn, thường xuất hiện vài tuần đến vài tháng sau tổn thương tim.
Hội chứng Dressler có các biểu hiện như đau ngực, sốt, khó thở, mệt mỏi, chán ăn… và có thể dẫn đến nhiều biến chứng tim phức tạp thậm chí đe dọa tử vong. Việc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp thúc đẩy lưu thông máu, giảm nguy cơ huyết khối, hỗ trợ hồi phục tim sau tổn thương.
Vận động nhẹ có tác dụng giảm viêm và đau, cải thiện tâm trạng thông qua việc kích thích cơ thể tiết ra endorphin; là phương pháp hiệu quả giúp duy trì sự linh hoạt của lồng ngực, giảm cảm giác đau tức do viêm màng ngoài tim.
Một số bài tập như bài tập thở sâu rất hữu ích trong việc cải thiện chức năng phổi, giảm nguy cơ tràn dịch màng phổi. Người mắc hội chứng Dressler thường phải nghỉ ngơi lâu ngày, dễ dẫn đến mất khối cơ và giảm sức bền, vận động giúp duy trì sức mạnh cơ bắp, giúp người bệnh phòng ngừa suy giảm thể lực.
2. Một số bài tập gợi ý cho người mắc hội chứng Dressler
2.1 Bài tập thở sâu
Tác dụng: Bài tập thở sâu có thể giúp người bệnh điều chỉnh tâm trạng, giảm đau, đồng thời cải thiện chức năng phổi.
Cách thực hiện:
- Người bệnh ngồi thẳng lưng hoặc nằm thoải mái trên giường, đặt một tay lên bụng, một tay lên ngực.
- Hít vào chậm và sâu bằng mũi, cảm nhận bụng phình lên; giữ hơi trong 2-3 giây; thở ra từ từ bằng miệng, cảm nhận bụng xẹp xuống.
- Lặp lại các động tác trên 5-10 lần, mỗi ngày tập 2-3 lần.
Cách thực hiện bài tập thở sâu giúp người mắc hội chứng Dressler thư giãn, cải thiện chức năng phổi.
2.2 Bài tập ngồi thiền thở sâu
Tác dụng: Bài tập này rất có lợi trong việc cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, giảm đau và cũng là một phương pháp hỗ trợ cải thiện chức năng hô hấp.
Cách thực hiện: Người bệnh ngồi thẳng lưng trên ghế hoặc sàn, hai tay đặt trên gối; nhắm mắt, hít sâu bằng mũi, giữ hơi trong khoảng 3 giây, sau đó thở chậm bằng miệng; lặp lại bài tập trong 5-10 phút.
2.3 Bài tập đi bộ nhẹ nhàng
Người bệnh bắt đầu với bước đi chậm rãi trong nhà, mỗi lần 5-10 phút, sau khi đã thấy quen dần với bài tập có thể tăng dần lên 15-20 phút mỗi ngày.
Nếu tập ngoài trời, nên chọn địa hình bằng phẳng, tránh leo dốc hoặc cầu thang. Trong quá trình đi bộ người bệnh không cố gắng đi quá nhanh, quá gắng sức, đồng thời cố gắng giữ nhịp thở đều. Nếu thấy mệt, đau ngực, khó thở phải dừng lại nghỉ ngơi ngay.
2.4 Bài tập duỗi lưng nhẹ nhàng
Tác dụng: Bài tập này sẽ giúp khí huyết trong cơ thể lưu thông tốt hơn, duy trì sức mạnh cơ bắp và cải thiện chức năng phổi.
Cách thực hiện: Người bệnh ngồi trên ghế với hai chân đặt vững trên sàn; đưa hai tay lên cao, đặt song song hoặc đan vào nhau, hít vào sâu; thở ra, nhẹ nhàng nghiêng người sang bên trái, giữ trong 5 giây; trở về tư thế ban đầu, lặp lại với bên phải.
Lưu ý người bệnh mắc hội chứng Dressler không nên gắng sức trong các động tác gập người, nghiêng người, không nên quá gắng sức trong việc giữ hơi thở.
Cách thực hiện bài tập duỗi lưng nhẹ nhàng.
2.5 Bài tập vận động cánh tay
Tác dụng: Đây là bài tập vừa giúp cải thiện chức năng hô hấp vừa giúp người mắc hội chứng Dressler duy trì sức mạnh cơ bắp vùng vai, cánh tay.
Cách thực hiện: Ngồi thẳng, hai tay đặt trên đùi; nhẹ nhàng giơ hai tay lên cao, hít vào; hạ tay xuống từ từ, thở ra; lặp lại các động tác khoảng 10 lần.
2.6 Bài tập vận động chân
Tác dụng: Hỗ trợ người mắc hội chứng Dressler duy trì sức mạnh cơ bắp và giảm nguy cơ teo cơ chân.
Cách thực hiện: Ngồi trên ghế, đặt chân vuông góc với sàn; nhấc một chân lên khỏi mặt đất, giữ 5 giây, rồi hạ xuống; đổi chân, lặp lại 10 lần mỗi bên.
Bài tập vận động chân giúp người mắc hội chứng Dressler ngăn ngừa teo cơ chân.
3. Một số lưu ý khi tập vận động đối với người mắc hội chứng Dressler
Trong giai đoạn cấp của hội chứng Dressler, khi cơ thể đang trong quá trình viêm mạnh, có thể kèm theo các triệu chứng như sốt, đau ngực khó thở, tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, người bệnh không nên thực hiện các bài tập vận động vì có thể làm tăng gánh nặng cho tim, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó người bệnh nên nghỉ ngơi tuyệt đối, tuân thủ các chỉ định của thầy thuốc và chỉ thực hiện các bài tập thở nhẹ nhàng chậm, sâu nếu không quá mệt.
Người mắc hội chứng Dressler nên chọn các bài tập nhẹ nhàng, không làm tăng nhịp tim hoặc gây căng thẳng lên lồng ngực; nên tránh các bài tập có cường độ cao và tăng áp lực lên tim như nâng tạ, chạy bộ nhanh, chống đẩy, gập bụng…
Người mắc hội chứng Dressler không được tập quá sức, khi mới bắt đầu chỉ nên tập 10-15 phút mỗi lần và 2-3 lần trong ngày với cường độ nhẹ, sau đó tùy điều kiện sức khỏe mà có thể nâng dần thời gian tập luyện lên 20-30 phút mỗi ngày.
Nên tập vào sáng sớm hoặc chiều muộn khi thời tiết mát mẻ; không tập trong thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, không tập vận động ngay sau khi ăn. Trong quá trình tập luyện cần giữ nhịp thở đều, kiểm soát nhịp tim, không để nhịp tim vượt quá 100-110 nhịp/phút đối với người đã có tổn thương tim. Nên kết hợp tập vận động với chế độ nghỉ ngơi và dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng.
Dừng tập ngay nếu có các dấu hiệu bất thường như đau ngực, tức ngực, chóng mặt, khó thở tăng dần, tim đập loạn nhịp hoặc quá nhanh. Nếu các triệu chứng không giảm sau khi nghỉ ngơi cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phạm Hường (theo báo SK&ĐS)