image banner
Phòng chống ngộ độc thực phẩm ở bếp ăn trường học: Không được chủ quan lơ là
Lượt xem: 331

Những vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra tại trường học thường khiến nhiều người mắc. Nó có thể không gây hậu quả quá nghiêm trọng những rất đáng lo ngại…Ngộ độc thực phẩm tại trường học có thể đến bất cứ lúc nào nếu công tác vệ sinh an toàn thực phẩm bị lơ là, không thực hiện tốt.

 

76 học sinh bị ngộ độc thực phẩm

Ngày 09/5, tại xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương đã xảy ra 01 vụ ngộ độc tập thể. Nạn nhân là 76 học sinh mầm non ở xã này. Theo báo cáo điều tra của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An: Trong buổi chiều 9/5, sau khi đi trải nghiệm trồng lúa về, 267/354 học sinh (từ 2 đến 5 tuổi) ở Trường Mầm non Thuận Sơn được ăn sữa chua do nhà trường tự ủ vào bữa ăn giữa chiều. Riêng trẻ 2 tuổi không ăn sữa chua.

Sau khi ăn, nhiều trẻ xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, buồn nôn, nôn, ỉa chảy... một số có sốt, mất nước. 19 trẻ có biểu hiện đã được đưa tới trạm y tế xã Thuận Sơn để chăm sóc, điều trị. 57 trẻ đã được phụ huynh đưa thẳng lên Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương cấp cứu. Tổng số trẻ phải vào cơ sở y tế điều trị là 76 người.

Ngay sau khi nhận được tin vụ ngộ độc xảy ra, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, lãnh đạo huyện Đô Lương đã có mặt động viên, chỉ đạo công tác điều trị và điều tra vụ việc. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lê – Phó Giám Sở Y tế Nghệ An cho biết: Sở đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Đô Lương khẩn trương chỉ đạo Trạm Y tế xã Thuận Sơn thực hiện cấp cứu, sơ cứu cho trẻ bị ngộ độc; với trường hợp nặng thì chuyển ngay lên Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương.

Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương khẩn trương huy động nhân lực, chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, bố trí đủ giường bệnh để đón nhận cấp cứu các cháu; liên hệ hội chẩn với tuyến trên; cử kíp cán bộ hỗ trợ Trạm Y tế; chuẩn bị sẵn sàng xe cấp cứu đưa đón bệnh nhân…Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An sẵn sàng nhân lực, thuốc men để tiếp nhận các ca nặng chuyển đến; sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, thuốc men, phương tiện hỗ trợ khi Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương có yêu cầu.

Bác sĩ Lê Đức Hải – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương cho hay: Bệnh viện đã huy động 50 y, bác sĩ, điều dưỡng với trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, tổ chức cấp cứu điều trị tích cực cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, bệnh viện cũng đã tổ chức hội chẩn với Trung tâm hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để xin ý kiến chỉ đạo và hướng xử trí…Đến trưa 10/5, sức khỏe tất cả trẻ bị ngộ độc đều đã được hồi phục và được xuất viện trở về nhà.

Theo Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An: Nguyên nhân ngộ độc nghi nhiều do sữa chua. Nhận định này có cơ sở khi mà những trẻ không ăn sữa chua đều không bị ngộ độc. Sữa chua các cháu ăn do các cô nuôi tự chế biến (nguyên liệu làm sữa chua sử dụng sữa đặc, sữa chua và nước giếng khoan qua lọc) ủ từ 17 giờ ngày 08/5/2023, đến 15 giờ 30 phút ngày 09/5/2023 đem ra để cho các cháu ăn. Trong quá trình chế biến, sữa chua được ủ và bảo quản ở nhiệt độ thường, không bảo quản sữa chua trong ngăn mát tủ lạnh.

Kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thực tế tại Trường Mầm non Thuận Sơn thì cơ sở cơ bản chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm như nơi chế biến sạch sẽ, đảm bảo tách biệt giữa các khu vực; thu gom rác thải hàng ngày, thùng rác có nắp đậy kín; có trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm đầy đủ, đảm bảo tách biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín; nhân viên chế biến không mắc các bệnh truyền nhiễm…Một số tồn là việc thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm còn một vài bước chưa đúng quy định; chế biến, bảo quản sữa chua tự ủ chưa đảm bảo.

Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An đã tiến hành lấy 05 mẫu (Gồm 01 mẫu sữa chua (mẫu thực phẩm) và 04 mẫu bệnh phẩm) gửi Viện kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm quốc gia để kiểm nghiệm xác định nguyên nhân cụ thể của vụ ngộ độc.

Anh-tin-bai
Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An thực hiện giám sát tại bếp ăn Trường Mầm non Hưng Đạo, Hưng Nguyên.

Không lơ là, đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát

Vụ ngộ độc xảy ra tại Trường Mầm non Thuận Sơn tuy chưa gây ra hậu quả đáng tiếc song cũng giống như các vụ ngộ độc xảy ra tại các trường học khác trong cả nước đã gây hoang mang cho người dân và phụ huynh học sinh. Trước vụ ngộ độc ở Trường Mầm non Thuận Sơn, đã có 2 vụ việc khác khiến nhiều người lo sợ: Đó là vụ ngộ độc khiến 72 học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) nhập viện và vụ phát hiện đỉa trong nước uống đóng bình ở Trường Mầm non Phong Thủy (huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình).

Cụ thể, vào ngày 28/3/2023, Trường tiểu học Kim Giang tổ chức cho học sinh khối lớp 1 và lớp 2 đi học tập ngoại khóa. Đồ ăn trưa cho học sinh được nấu tại trường và vận chuyển đến địa điểm trải nghiệm. Khi về đến trường, 72 học sinh  có biểu hiện đau bụng, buồn nôn. Đến 16 giờ cùng ngày, các học sinh bị ngộ độc đã được đưa đến các bệnh viện để điều trị. Rất may, đã không có trường hợp tử vong…Điều tra vụ ngộ độc, Sở Y tế Hà Nội cho biết: nguyên nhân là do vi khuẩn tụ cầu vàng nhiễm vào thịt gà có trong suất ăn.

Còn vụ việc phát hiện đỉa trong nước uống đóng bình ở Trường Mầm non Phong Thủy là do giáo viên của trường này phát hiện nên dùng điện thoại quay lại vào ngày 28/4/2023. Trước đó vào ngày 25/4, nhà trường vừa nhận lượng lớn bình nước loại 20 lít từ Công ty Cổ phần nước khoáng Bang (có địa chỉ tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) và cất vào kho. Khi đưa nước vừa nhập ra sử dụng thì giáo viên bất ngờ phát hiện có đỉa bên trong. Sự việc khiến những người chứng kiến, người xem video phải rùng mình…Với vụ việc này, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế Quảng yêu cầu làm rõ.

Liên quan đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, từ trước tới nay, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở Nghệ An rất chú trọng quan tâm, chỉ đạo. Đặc biệt với hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn bán trú tại trường học. Các hoạt động thanh kiểm tra, giám sát, truyền thông thay đổi hành vị liên tục được các cấp, ngành tổ chức.

Trước thời điểm vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường Mầm non Thuận Sơn xảy ra, liên ngành Giáo dục và y tế đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, hướng dẫn tại các trường học. Ngành giáo dục đã yêu cầu các trường phát huy vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban kiểm tra nội bộ, phụ huynh học sinh của trường trong tham quan, giám sát việc thực hiện bữa ăn của học sinh để nhà trường thực hiện tốt hơn quy trình thực hiện bữa ăn học sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Mới đây (ngày 4/5), Sở Y tế có Công văn số 1259/SYT-NVY về việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa hè gửi Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Vinh. Sở Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nhằm phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Sự quan tâm là vậy nhưng ngộ độc thực phẩm vẫn cứ xảy ra. Rõ ràng vụ việc ngộ độc thực phẩm tại Trường Mầm non Thuận Sơn đã là hồi chuông cảnh tỉnh đến tất cả mọi người : Ngộ độc có thể xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ nơi nào nếu công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bị lơ là và không được thực hiện tốt.

Bác sĩ Phạm Ngọc Quy, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Nghệ An nêu rõ: Phòng, chống ngộ độc thực phẩm, các huyện, thành thị tăng cường đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú trên địa bàn; Đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền đến tất cả các thôn, xóm và đến tận người dân, người lao động về việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn; giám sát các yếu tố nguy cơ ngộ độc để phát hiện sớm và triển khai kịp thời các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh cần chủ động tham gia quá trình giám sát bữa ăn. Điều này sẽ khiến bữa ăn được cải thiện không những về an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn khiến chất lượng bữa ăn sẽ tốt hơn. Khi có những dấu hiệu mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học, các phụ huynh học sinh cần kịp thời phản ánh đến Chi cục thông qua số điện thoại 02383.601.263 hoặc chính quyền địa phương để kịp thời chấn chỉnh và xử lý./.

Thành Chung

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14