image banner
Những tiêu chuẩn an toàn của bánh trung thu người tiêu dùng cần biết
Lượt xem: 399
Bánh trung thu handmade (tự làm) được ưa chuộng nhiều năm nay do có nhiều hình thức bắt mắt hơn, các loại nhân phong phú hơn, được đặt hàng kích cỡ và nhân bánh theo yêu cầu... song vấn đề an toàn thực phẩm vẫn phải được lưu tâm.
 

Bánh trung thu 3 không hút khách

Gần Tết Trung thu, thị trường bánh nướng, bánh dẻo lại trở nên sôi động. Các loại bánh trung thu tự làm vẫn được ưa chuộng theo xu hướng của những năm gần đây. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều thợ làm bánh sáng tạo thêm các loại nhân bánh như kết hợp với mứt hoa quả, socola chảy, cốm xào dẻo hay các loại hạt.... để phục vụ thị trường.

Có thể hiển nhiên thấy rõ, bánh trung thu nhà làm hay còn gọi là bánh handmade là sản phẩm không có nhãn mác, thương hiệu hay hạn sử dụng. Chị Lê Kiều Anh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cứ vào dịp Tết Trung thu hàng năm là chị lại khởi động bán bánh nướng, bánh dẻo. Số lượng bánh mỗi năm chị bán được khoảng 5000 chiếc với giá trung bình từ 60.000-80.000 đồng/chiếc. Khách hàng chủ yếu là những người quen biết, đã sử dụng sản phẩm bánh ngọt nhà chị từ nhiều năm nay.

Những tiêu chuẩn an toàn của bánh trung thu người tiêu dùng cần biết- Ảnh 2.
Loại bánh trung thu tự làm vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng.

"Sản phẩm mình tự làm ra nên nguyên liệu đều được lựa chọn cẩn thận, mình ăn thế nào thì bán như thế. Đó là lý do mà nhiều năm nay tôi vẫn duy trì được lượng khách ổn định dù không có thương hiệu, nhãn mác", chị Kiều Anh chia sẻ. Vì là bánh tự làm nên hạn sử dụng sản phẩm phụ thuộc vào cảm quan. "Nếu thấy bánh mốc, chảy nước, có mùi khó chịu... thì nghĩa là bánh đã hỏng. Bánh vẫn còn thơm là sử dụng được", chị chia sẻ.

Là người có thâm niên làm bánh trung thu hàng chục năm nay, khách đặt mua năm nào cũng tấp nập dù không có thương hiệu gì, chị Phạm Hương Trà (Long Biên, Hà Nội) cho biết, khách bây giờ sành ăn, thiên về sống xanh, sử dụng sản phẩm ít đường, có màu sắc bắt mắt. Do nguyên liệu đầu vào được chọn cẩn thận nên bánh ngon, khách hàng tin tưởng lựa chọn. Về hạn sử dụng thì chủ yếu do khách hàng tự quyết định dựa trên quan sát bánh. "Tôi cũng nói rõ với khách hàng điều này, họ chấp nhận, tin tưởng nên vẫn yêu thích sản phẩm bánh tự làm", chị Trà nói.

Theo khảo sát của phóng viên, loại bánh trung thu nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ hơn nhiều vẫn được bày bán trên thị trường. Với mặt hàng này, giá bánh nướng, bánh dẻo được rao bán trên mạng xã hội dao động từ 15.000 đồng/bánh đến 250.000 đồng/bánh tùy loại. Thậm chí có loại bánh chỉ có giá 9.000 đồng nếu mua sỉ (loại nhỏ). Thậm chí trên mạng còn rao bán những chiếc bánh trung thu "khủng" có xuất xứ từ Trung Quốc được quảng cáo là hàng "thượng hạng" nhưng có giá bán rẻ bèo chỉ 50.000-60.000 đồng/bánh.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cảnh báo, người tiêu dùng phải rất thận trọng khi trên thị trường có quá nhiều sản phẩm bánh trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thực tế cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu mang tính thời vụ nên vẫn có những cơ sở chưa thực sự chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đặc biệt đối với các loại bánh sử dụng phẩm màu, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, nếu nhà sản xuất sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cấp phép thì sẽ không ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, sẽ là rủi do rất lớn nếu ăn phải bánh sử dụng màu công nghiệp, không có trong danh mục Bộ Y tế cấp phép.

Có rất nhiều tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm cho một quy trình từ sản xuất bánh trung thu như nguyên liệu, chất phụ gia, máy móc, thiết bị, nhà xưởng, môi trường... Nếu chỉ một khâu trong quy trình sản xuất bị hỏng thì việc lây nhiễm chéo rất dễ xảy ra. Các loại độc tố tự nhiên được sản sinh bởi một số loại nấm mốc trong điều kiện ấm và ẩm, gây ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm làm từ ngũ cốc, bột mì, nguyên liệu sử dụng trong bánh trung thu.

Bánh trung thu phải đảm bảo tiêu chuẩn gì?

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, bánh nướng phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12940:2020. Tiêu chuẩn quốc gia này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các yêu cầu kỹ thuật về bánh nướng. Trong đó thành phần nguyên liệu làm bánh nướng bao gồm: Bột mì nên đáp ứng quy định trong TCVN 4359. Bột ngũ cốc khác đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm. Đường đáp ứng quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968. Dầu ăn đáp ứng quy định trong TCVN 7597, TCVN 12107, TCVN 6312 hoặc TCVN 13020.

Các nguyên liệu khác có thể bao gồm nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật (mỡ lợn, các sản phẩm thịt, sản phẩm thủy sản, sản phẩm trứng, sữa và sản phẩm sữa...), nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật (hạt đậu, hạt sen, hạt dưa, khoai môn, bột trà xanh, các loại mứt...) và nguyên liệu khác (muối, rượu trắng, rượu mùi...): đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

Yêu cầu về cảm quan, bánh nướng được sử dụng trong dịp tết Trung thu phải đảm bảo các yêu cầu về cảm quan như vỏ bánh không bị cháy, nhân cứng hoặc nhân nhuyễn, phải có màu sắc đặc trưng, không mùi lạ hay tạp chất.

Đối với bánh dẻo phải đáp ứng theo TCVN 12941:2020. Theo đó, bánh có lớp vỏ được làm từ bột gạo nếp đã làm chín, có thể bổ sung bột ngũ cốc khác, có bổ sung đường, không có nhân hoặc có nhân là các sản phẩm thực vật, sản phẩm động vật và/hoặc nguyên liệu khác, có thể bổ sung hương liệu và phụ gia thực phẩm, được định hình với các hình dạng khác nhau và không qua nướng chín.

Bột gạo nếp và bột ngũ cốc khác phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm. Đường phải đáp ứng quy định trong TCVN 6958 hoặc TCVN 7968. Dầu ăn phải đáp ứng quy định trong TCVN 7597, TCVN 12107, TCVN 6312 hoặc TCVN 13020.

Các nguyên liệu khác có thể bao gồm nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật (mỡ lợn, các sản phẩm thịt, sản phẩm thủy sản, sản phẩm trứng, sữa và sản phẩm sữa v.v...), nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật (hạt đậu, hạt sen, hạt dưa, khoai môn, bột trà xanh, các loại mứt v.v...) và nguyên liệu khác (muối, rượu trắng, rượu mùi v.v...): đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm. Vỏ bánh mềm, dẻo; nhân bánh (nếu có) là nhân cứng hoặc nhân nhuyễn. Sản phẩm không có mùi lạ và không có tạp chất nhìn thấy bằng mắt thường.

Theo các chuyên gia, độc hại của bánh trung thu trôi nổi là sử dụng hóa chất không được phép. Mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp là rất lớn. Khi bị nhiễm vào cơ thể nó có thể gây tổn hại đến tất cả các cơ quan thần kinh, nội tạng và bề mặt da khi tiếp xúc trực tiếp… Không chỉ có vậy, việc ăn bánh trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không đảm bảo còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn.

Để bảo đảm sức khỏe, dù mua ở đâu, theo hình thức nào, khách hàng cũng cần chú ý tới sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...

Lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, mới đây Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp tết Trung thu năm 2024 và kiểm tra chất lượng hàng hóa đến hết năm 2024. Theo đó, cần ngăn chặn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
 

Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)

THÔNG BÁO
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ NGHỆ AN
Chịu trách nhiệm chính: Giám đốc Sở Y tế Nghệ An
Địa chỉ: Số 18 - Đường Trường Thi - Tp.Vinh - Nghệ An
Điện thoại: (0238) 3844 791 - Fax: 038 3 844 791 - Email:yt@nghean.gov.vn
Đường dây nóng: 0966.64.14.14