Các dấu hiệu cảnh báo suy tim nặng
Những dấu hiệu của suy tim nặng thường xuất hiện ở giai đoạn C, D của suy tim theo phân loại ACC/AHA và là cấp III, IV theo phân loại NYHA. Khi người bệnh bước vào giai đoạn suy tim nặng thì trái tim của họ đang hoạt động rất yếu, không thể đảm nhận chức năng bơm, hút máu về tim, khiến các cơ quan trong cơ thể bị thiếu oxy và dưỡng chất. Điều này gây ra một loạt các dấu hiệu như:
- Khó thở nặng: Người suy tim có thể khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi, nói chuyện hoặc thực hiện các hoạt động nhẹ nhàng.
- Mệt mỏi dữ dội: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, yếu sức thường xuyên, khó tập trung, giảm khả năng làm việc.
- Phù nề: Phù nề có thể xuất hiện ở nhiều bộ phận cơ thể, bao gồm chân, tay, bụng và mặt.
- Tăng cân nhanh trong thời gian ngắn do tích nước.
- Giảm cân: Do chán ăn và suy giảm trao đổi chất.
- Đau tức ngực do tim bị thiếu máu, không nhận đủ oxy. Cơn đau có thể lan ra cánh tay, vai, hàm.
- Ho khan: Có thể xuất hiện vào ban đêm, ho nhiều hơn khi nằm ngửa, thậm chí ho ra máu có màu hồng nhạt hoặc đỏ tươi.
- Mất ngủ: Do khó thở tăng về đêm nhiều hơn kèm theo tình trạng lo âu, căng thẳng
- Thay đổi nhịp tim: Nhịp tim có thể nhanh hoặc chậm bất thường.
- Rối loạn ý thức: Trong trường hợp suy tim nặng, người bệnh có thể bị lú lẫn hoặc mất ý thức thậm chí ngất xỉu kéo dài, không tỉnh lại.
Bạn cần phải đặc biệt chú ý các dấu hiệu trên và đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế gần nhất nếu người bệnh có các triệu chứng cấp tính, nguy hiểm để được cấp cứu kịp thời nhất.
Cách cải thiện và phòng ngừa suy tim nặng
Suy tim là bệnh lý phức tạp nên để đạt được hiệu quả cải thiện, giúp kiểm soát các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ thì bạn cần phải kết hợp đồng thời nhiều biện pháp. Cụ thể:
Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ
Tùy vào triệu chứng, biểu hiện khi thăm khám, bác sĩ sẽ có các phương pháp điều trị và kê đơn thuốc phù hợp. Hiện có nhiều loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng cho người suy tim. Những loại thuốc này có thể giúp giảm tải cho tim, cải thiện chức năng co bóp của tim, giảm triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển của bệnh.
Duy trì lối sống, chế độ ăn lành mạnh
Thay đổi lối sống cũng có thể giúp cải thiện tình trạng suy tim. Những thay đổi này bao gồm: Ăn ít muối, ăn ít đường và chất béo thay vào đó ăn nhiều rau xanh, thịt nạc, cá…; tập thể dục, đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày; không hút thuốc lá, không dùng rượu bia; duy trì cân nặng hợp lý; thư giãn, giảm căng thẳng…
Ăn uống khoa học giúp kiểm soát bệnh tốt hơn
Phạm Hường (theo báo SK&ĐS)