Tháng 7 là khoảng thời gian nắng nóng trong năm. Thời tiết oi bức khiến cho cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, háo nước, khó chịu.
Đặc biệt, khi ở ngoài trời vào những khung giờ nhiệt độ cao, nhiều người gặp tình trạng say nắng, cảm nắng, nghiêm trọng hơn là đột quỵ gây nguy hiểm đến sức khỏe. Vậy làm gì để bảo vệ cơ thể trong những ngày nắng nóng là chủ đề được nhiều người quan tâm.
Say nắng, cảm nắng - Mối nguy hiểm đang đe dọa sức khỏe người dân
Nguyên nhân chủ yếu của say nắng, cảm nắng là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Triệu chứng điển hình là mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực, chuột rút; ở mức độ nặng gây đau đầu dữ dội, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn,...
Một số đối tượng có nguy cơ cao dễ bị say nắng, cảm nắng gồm: Người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai; những người làm việc, luyện tập với cường độ cao ở ngoài trời nắng lâu, hoặc trong môi trường nóng bức như người lao động nông nghiệp, công nhân làm việc ở các lò gạch, lò gang thép và những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Thời tiết oi bức khiến nhiều người gặp tình trạng say nắng
Bảo vệ cơ thể trong những ngày thời tiết nắng nóng
Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày trời nắng nóng, chúng ta cần lưu ý:
- Hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10h-16h
- Không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.
- Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.
- Uống tối thiểu 1,5 – 2 lít nước/ngày, bổ sung rau và hoa quả trong mỗi bữa ăn.
Đối với những người phải làm việc trong thời tiết nắng nóng
- Bố trí công việc tránh ở ngoài trời quá lâu trong khoảng thời gian nắng nóng nhất trong ngày, cần có quãng nghỉ ở trong nhà hoặc bóng râm để hồi sức.
- Hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy. Sử dụng quần áo chống nắng thoát mồ hôi, mũ, kính râm, kem chống nắng,...
- Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt cần uống thêm các loại nước thanh nhiệt, giảm nóng trong, bổ sung năng lượng tránh mệt mỏi và mất sức khi đang làm việc
Thu Hiền (theo báo SK&ĐS)