Bệnh gout (gút) là một dạng viêm khớp gây sưng và cứng khớp. Bệnh khiến người bệnh cực kỳ đau đớn, nhiều trường hợp gout cấp do ăn một số loại thực phẩm khiến bệnh nặng hơn. Bệnh gout bùng phát có thể do thịt đỏ và các thực phẩm khác gây ra.
Tuy nhiên, cũng có những thực phẩm giúp ngăn ngừa tình trạng này. Dưới đây là những điều cần biết về chế độ ăn uống ảnh hưởng đến bệnh gout:
1. Thực phẩm ảnh hưởng đến bệnh gout như thế nào?
Nồng độ acid uric trong máu cao có thể làm tăng khả năng gây bùng phát bệnh gout.
Bệnh gout là bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến ăn uống do nồng độ acid uric quá cao trong máu dẫn đến lắng đọng các tinh thể urat hoặc tinh thể acid uric. Lắng đọng ở các khớp làm cho khớp bị viêm gây đau, lâu dần biến dạng cứng khớp, nếu lắng đọng ở thận gây bệnh thận.
Điều trị bằng chế độ ăn cho người bệnh gout thích hợp vừa giảm tổng hợp acid uric vừa tăng đào thải acid uric qua thận. Chế độ ăn có vai trò rất quan trọng trong điều trị cơn gout cấp tính, mạn tính và có tác dụng làm giảm các cơn cấp của gout mạn tính.
Các loại thực phẩm có thể ảnh hưởng đến nồng độ acid uric trong máu. Mức độ cao có thể làm tăng khả năng hình thành các tinh thể này, gây bùng phát. Nồng độ acid uric thấp có thể giúp ngăn ngừa cơn gout tấn công.
Thực phẩm giàu purin có xu hướng làm tăng nồng độ acid uric. Purin là các phân tử tạo nên DNA và phục vụ các chức năng khác. Cơ thể cần một lượng purin nhất định trong chế độ ăn uống của mình, nhưng không quá nhiều.
Nồng độ purin cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận và hội chứng chuyển hóa. Tuy nhiên, có một số thực phẩm giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
2. Các thực phẩm cần tránh để không ảnh hưởng đến bệnh gout
Nếu có nguy cơ dễ mắc bệnh gout và đang bị bệnh gout cần hạn chế ăn bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có nguy cơ làm tăng mức acid uric trong máu, bao gồm cả các loại thực phẩm có hàm lượng purine cao. Ngoài ra, cũng cần cắt giảm hoặc loại bỏ các loại thực phẩm và đồ uống có nhiều đường fructose.
Thịt đỏ
Thịt đỏ là ví dụ điển hình về thực phẩm chứa hàm lượng purine cao. Thịt đỏ bao gồm thịt bò, thịt cừu và thịt lợn. Cơ thể phân hủy purine thành acid uric. Kết quả là nồng độ trong máu tăng lên, làm tăng khả năng các tinh thể tích tụ trong khớp, gây bùng phát bệnh.
Thịt đỏ có lượng hai loại purin cụ thể gọi là hypoxanthine và adenine cao hơn các loại thực phẩm khác. Hai loại purin này đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
Hải sản
Nhiều loại hải sản có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nếu bị bệnh gout hoặc có nguy cơ phát triển bệnh, nên hạn chế cá cơm, cá mòi, sò, trai, cá hồi, cá ngừ… Những loại hải sản này rất giàu purin, có thể khiến nồng độ acid uric tăng cao. Acid uric bổ sung này có thể dễ dàng gây ra sự tích tụ và kích thích thêm các triệu chứng bệnh gout.
Khi bệnh gout ổn định, vẫn nên hạn chế ăn hải sản ở mức tối thiểu.
Phạm Hường (tổng hợp)