Uống trà gừng mỗi ngày có tốt không?
Trà gừng là thức uống mang tính ấm, nóng, hơi cay và ngọt rất dễ uống và là đồ uống yêu thích của nhiều người. Thậm chí, với nhiều người, đây còn là đồ uống hàng ngày. Dưới đây là những lợi ích của việc uống trà gừng mỗi ngày.
Làm ấm cơ thể
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, trà gừng có nguyên liệu chính là gừng, tính nóng nên tác dụng rất tốt trong việc làm ấm cơ thể.
Trong những ngày gió lạnh, hoặc nhiễm mưa lạnh, chỉ cần một cốc trà gừng là có thể làm ấm cơ thể từ bên trong, giảm cảm giác mệt mỏi và phòng chống cảm lạnh.
Giảm cảm giác buồn nôn
Tính cay và nóng của trà gừng tác dụng tốt trong việc làm giảm cảm giác buồn nôn. Đây là đồ uống được khuyên dùng đối với những người ốm nghén, buồn nôn hoặc bị say tàu xe.
Tốt cho hệ tiêu hóa
Nếu bị rối loạn tiêu hóa, lạnh bụng, bụng âm ỉ khó chịu thì có thể uống một cốc trà gừng để làm dịu ngay cảm giác này. Uống trà gừng hàng ngày cũng là cách để kích thích hệ tiêu hóa, tăng cường khả năng trao đổi chất, chống đầy hơi, táo bón, trị tiêu chảy, hữu ích đối với người bị viêm tá tràng.
Làm dịu và thoải mái cho cơ thể, tránh chuột rút
Nhiều người bị tình trạng co cơ bắp khiến chân bị chuột rút vô cùng đau đớn khó chịu. Một cốc trà gừng sẽ tác dụng làm cho cơ thể thoải mái, chống viêm, làm dịu tình trạng chuột rút.
Hỗ trợ giảm cân
Báo Thanh Niên dẫn nguồn trang Gastroenterology and Hepatology cho biết, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng châu Âu cho thấy gừng có thể tăng cường trao đổi chất bằng cách tăng sinh nhiệt, đó là quá trình cơ thể đốt cháy calo để tạo ra nhiệt.
Gừng cũng giúp kiềm chế sự thèm ăn, có thể ngăn ngừa việc ăn quá nhiều trong ngày. Tác động kép giúp tăng cường trao đổi chất và kiềm chế sự thèm ăn này đặc biệt hiệu quả trong việc hỗ trợ giảm cân.
Tăng cường hệ thống miễn dịch
Gừng rất giàu chất chống oxy hóa, giúp trung hòa các gốc tự do có hại trong cơ thể. Những chất chống oxy hóa này đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ chống lại các bệnh mạn tính.
Gừng có đặc tính chống viêm, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và hỗ trợ sức khỏe miễn dịch tổng thể. Uống nước gừng khi bụng đói giúp tối đa hóa sự hấp thụ các hợp chất có lợi này, mang lại cho hệ thống miễn dịch sự khởi đầu tốt nhất mỗi ngày.
Giúp giảm viêm và đau
Viêm mạn tính là yếu tố phổ biến của nhiều bệnh, bao gồm viêm khớp và bệnh tim mạch. Các hợp chất hoạt động trong gừng, chẳng hạn như gingerols, shogaols, tác dụng chống viêm mạnh. Gừng có thể làm giảm đáng kể tình trạng đau cơ và đau nhức, khiến nó trở thành phương thuốc tự nhiên tuyệt vời cho tình trạng viêm.
Cải thiện sức khỏe làn da
Các chất chống oxy hóa trong gừng giúp chống lại các gốc tự do, nguyên nhân gây lão hóa và tổn thương da. Theo một nghiên cứu trên tạp chí khoa học da liễu của Nhật Bản, những chất chống oxy hóa này có thể bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím và cải thiện độ đàn hồi của da. Đặc tính chống viêm của gừng có thể giúp giảm mụn trứng cá và các kích ứng da khác.
Ai không nên uống nước gừng?
Mặc dù nước gừng nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng một số trường hợp cần cân nhắc trước khi uống nước gừng:
- Người bị dị ứng với gừng: Những người có tiền sử dị ứng với gừng hoặc các thành phần trong gừng, nên tránh uống nước gừng để tránh các phản ứng dị ứng này.
- Người mắc bệnh dạ dày: Gừng có thể gây kích ứng dạ dày, đặc biệt là những người có vấn đề về dạ dày như loét dạ dày, viêm dạ dày. Trong trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống nước gừng.
- Người đang dùng thuốc: Do gừng có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị bệnh làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc, nên những người đang dùng thuốc (đặc biệt là các bệnh mạn tính), nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng nước gừng.
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống nước gừng, vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Uống trà gừng mỗi ngày có tốt không?". Hãy uống trà gừng đúng cách để tốt cho sức khoẻ nhé./.
Thu Hiền (theo báo Nghệ An)